Từ U17 đến World Cup: Hành động phù hợp để nắm bắt cơ hội

U17 Asian Cup 2025 vừa khép lại với chức vô địch thuộc về đội bóng trẻ Uzbekistan. Đây là danh hiệu vô địch bóng đá trẻ châu Á thứ 3 của đội bóng vùng Trung Á sau khi đã vô địch U20 Asian Cup 2023 và U23 Asian Cup 2018. Qua đó, Uzbekistan đã có mặt ở các kỳ World Cup trẻ đầu tiên trong lịch sử non trẻ của mình và nhiều khả năng cũng sẽ có vé dự World Cup 2026 ở cấp độ đội tuyển quốc gia để hoàn thành chiến lược phát triển bóng đá trẻ rất ấn tượng.

Từ U17 đến World Cup: Hành động phù hợp để nắm bắt cơ hội

Trong khi đó, U17 Asian Cup 2025 đã khép lại với U17 Việt Nam ngay từ vòng bảng với trận hòa 1-1 trước U17 UAE, khiến chúng ta lỡ cơ hội làm nên lịch sử dự World Cup. Nhưng thầy trò HLV Cristiano Roland không cần phải hối tiếc. Có hai lý do: Thứ nhất là các cầu thủ trẻ U17 Việt Nam đã nỗ lực hết sức, kết thúc vòng đấu bảng trước những đối thủ rất mạnh là Nhật Bản, Australia và UAE mà không để thua trận nào và cũng ghi được bàn thắng. Kế đến, chúng ta không có thời gian để nuối tiếc, mà cần xem việc để U17 UAE ghi bàn gỡ hòa ở phút cuối là bài học, từ đó biết cách nắm bắt, gìn giữ cơ hội cho những lần sau.

Vì trước mắt, trong giai đoạn 2025-2029, FIFA sẽ tổ chức U17 World Cup định kỳ mỗi năm một lần và châu Á có đến 8 suất tham dự. Có nghĩa là thay vì tiếc nuối, chúng ta cần phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Asian Cup 2026. Do đặc thù của các đội tuyển U, qua mỗi năm thì thành phần cầu thủ cũng sẽ khác vì phần lớn đội hình hiện nay sẽ quá tuổi, nên càng thẩm định, tuyển chọn sớm về lực lượng thì mới có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, phù hợp, trong đó có nhiệm vụ là phải vượt qua được vòng loại. Không chỉ cho năm sau mà còn các năm kế tiếp.

Không chỉ có U17, hiện tại, xu hướng của FIFA là mở rộng các giải World Cup, qua đó châu Á sẽ dần có nhiều hơn 8 suất để tham dự những sự kiện lớn nhất hành tinh, ở mọi lứa tuổi và cả các nội dung futsal – bóng đá nữ. Điều này có nghĩa, dù đặt ra tầm nhìn 2045 nhưng việc các đội tuyển bóng đá Việt Nam dự World Cup hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian sớm hơn thông qua việc nâng số suất châu Á.

Điều này đặt ra vấn đề: ngoài việc kiên trì thực hiện chiến lược dài hạn để phát triển bóng đá nội địa một cách bền vững, xây dựng nội lực và đẳng cấp Việt Nam, đưa chúng ta vào Tốp 15 hoặc tốp 10 châu Á, thì cũng cần thay đổi cách tiếp cận với mục tiêu dự World Cup khi cơ hội đang rộng mở không chỉ cho chúng ta mà còn với các đối thủ cạnh tranh. Đơn cử như tại giải U17 châu Á, Indonesia đã trở thành đội Đông Nam Á duy nhất giành vé dự World Cup.

Có thể lấy sự phát triển vũ bão của bóng đá Uzbekistan làm ví dụ. Sau cú sốc không lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Uzbekistan quyết định làm lại bóng đá trẻ, lấy ý tưởng từ chức vô địch U23 châu Á 2018 và từ đó đến nay họ liên tiếp gặt hái thành công ở các sân chơi tuổi U tại châu Á, trong khi các cầu thủ từng đá chung kết U23 châu Á với Việt Nam năm 2018 hiện đang là nòng cốt của đội tuyển quốc gia đang chạm tay vào tấm vé dự World Cup 2026 lần đầu tiên trong lịch sử.

Sự thay đổi của thời đại buộc bóng đá Việt Nam cần phải có phương pháp đánh giá, dự báo tốc độ phát triển của các nền bóng đá cạnh tranh để qua đó điều chỉnh các chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả và kịp thời như cách chúng ta sử dụng cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son tại ASEAN Cup 2024. Bởi nếu không có những hành động phù hợp với bối cảnh chung, không có kế hoạch hợp lý cho từng lứa tuổi, thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trẻ, thì có khi chúng ta “âm thầm” tiến một bước thì các quốc gia xung quanh đã tiến 2-3 bước nhờ nắm bắt tốt cơ hội.

Việc U17 Việt Nam “cầm vàng lại để vàng rơi” khi bị gỡ hòa phút cuối cho thấy tầm quan trọng của quá trình chuẩn bị, tâm thế dự giải của chúng ta chưa được như ý. Điều này có nguyên nhân từ sự thiếu hụt số lượng trận đấu để tích lũy kinh nghiệm ở các lứa tuổi U, một trong những điểm nghẽn bấy lâu nay của bóng đá Việt Nam. LĐBĐ Việt Nam (VFF) từng quyết định sẽ tổ chức giải đấu U song song cùng V-League nhưng Covid 19 ập đến đã khiến cho kế hoạch này không tồn tại. Các giải đấu Cúp quốc gia tuổi U cũng chịu chung số phận.

Cần phải nhìn nhận thẳng thắng là bóng đá trẻ Việt Nam vẫn chưa có được sự đầu tư đúng mức. Các CLB chuyên nghiệp vẫn làm bóng đá theo kiểu đối phó, không giúp bóng đá trẻ phát triển nhiều mà còn có nguy cơ tiêu cực do tác động từ các đối tượng xấu.

Với cơ hội dự World Cup đang rộng mở, bóng đá trẻ Việt Nam xứng đáng có được những đầu tư lớn hơn. Đừng để những kỳ dự giải châu Á chỉ là cuộc phiêu lưu và trông đội nhiều vào may mắn.

(Ảnh VFF)

Tin cùng chuyên mục