Kinh tế tư nhân với thể thao

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Trong lĩnh vực thể thao, kinh tế tư nhân thậm chí còn được xem là thành phần gần như duy nhất để phát triển nền thể thao chuyên nghiệp. Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị của những doanh nghiệp thể thao, mở đường cho việc hình thành một nền “kinh tế thể thao” thực thụ.

Vai trò của kinh tế tư nhân trong thể thao không có gì phải tranh cãi. Ví dụ như trong bóng đá, trước khi bầu Đức xuất hiện, đội Gia Lai chưa từng lên chơi ở hạng cao nhất, nhưng chỉ sau 2 năm chuyển giao, HA.GL đã chiêu mộ gần như toàn bộ đội tuyển Việt Nam và Thái Lan về Gia Lai để rồi họ vừa thăng hạng đã vô địch V-League 2 mùa liên tiếp.

Điều tương tự xảy ra với Đồng Tâm Long An của bầu Thắng, hay tiêu biểu hơn, chỉ sau 20 năm đầu tư, Hà Nội FC lập kỷ lục với 6 chức vô địch V-League. Trung bình số tiền mỗi năm để vận hành các CLB chuyên nghiệp trên dưới 100 tỷ đồng, một con số không tưởng nếu nhìn vào ngân sách dành cho thể thao tại các địa phương.

Không có kinh tế tư nhân, khó tưởng tượng futsal Việt Nam sẽ là đội bóng đá đầu tiên dự World Cup hay giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA theo mô hình Mỹ không tiêu tốn một đồng ngân sách nào.

Năm 2001, V-League ra đời giúp VFF thu về một số tiền lên đến 2 triệu USD khi bán thương quyền 3 mùa giải cho công ty tiếp thị thể thao Strata. Hiện tại, doanh thu của Công ty VPF, nơi quản lý V-League, lên đến hơn 200 tỷ đồng, trong đó có tiền bản quyền truyền hình, điều mà chỉ mới 2 thập niên trước đó chỉ “có trong mơ”.

Nhưng dù đã có hơn 3 thập niên chính thức được tham gia trực tiếp vào hoạt động sở hữu, thi đấu thể thao đỉnh cao thông qua chiến lược xã hội hóa, nhưng hoạt động của kinh tế tư nhân chủ yếu dừng lại ở mức độ quảng bá, tiếp thị, gần như không tham gia sâu vào chuỗi giá trị để có thể tạo ra một nền kinh tế thể thao đúng nghĩa. Mặc dù các CLB đều đăng ký ngành nghề kinh doanh thể thao, nhưng lại không có sản xuất hoặc tạo ra các sản phẩm hữu hình để khai thác thương mại.

Những “sản phẩm bản quyền đóng gói” vẫn chưa có, số lượng các công ty tiếp thị thể thao không nhiều. Ngay hoạt động tài trợ thể thao thì số thương hiệu rút lui sau vài năm tham gia cũng nhiều như những người mới đến. Về cơ bản, thể thao Việt Nam vẫn chưa có nhiều thứ để bán, hoặc tạo ra một thị trường kinh doanh sôi động, gần như không có tỷ trọng đáng kể nào trong “rổ hàng tiêu dùng” của người dân.

Đó thực sự là điều đáng tiếc. Thể thao vốn đi trước trong việc xã hội hóa so với các lĩnh vực giáo dục và y tế, nhưng hiện đang dậm chân tại chỗ khi không thể đóng góp gì vào GDP quốc gia. Hy vọng Nghị quyết 68 sẽ khơi thông được các điểm nghẽn về cơ chế và truyền thêm sự dũng cảm cho các “ông bầu”, doanh nghiệp thể thao.

Tin cùng chuyên mục