Bóng đá TPHCM từ lâu đã là một phần không thể tách rời trong văn hóa và nhịp sống của thành phố. Từ những sân bóng nhỏ như Tao Đàn, nơi các cầu thủ nghiệp dư và phong trào “cháy” hết mình với đam mê, đến sân Thống Nhất huyền thoại lâu đời nhất Việt Nam, nơi chứng kiến những trận cầu đỉnh cao của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, hành trình của bóng đá TPHCM là câu chuyện về tình yêu, lịch sử và sự phát triển.
Nằm ngay trung tâm quận 1, sân Kỵ Mã - Tao Đàn không chỉ là một địa điểm thể thao mà còn là biểu tượng của bóng đá phủi Sài Gòn trước đây. Đây là nơi ra đời sân bóng đá đầu tiên của Sài Gòn, từ hồi những năm 1890, đã có các trận đá banh giao hữu giữa các đội của quân đội Pháp và các tàu hàng hoặc tàu chiến của Pháp, Anh… với các nước Tây Âu tới Sài Gòn. Đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam mới tiếp cận thật sự môn bóng đá. Tại sân bóng này, đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam ra đời, khi đó mang tên Quận 1, để rồi từ đó đưa bóng đá nữ TPHCM đến ngôi vị số 1 của làng cầu Việt Nam.
Nếu sân Tao Đàn là cái nôi lưu giữ “hồn cốt” của bóng đá Sài Gòn, minh chứng cho sức sống bất tận của phong trào bóng đá TPHCM, thì sân Thống Nhất chính là biểu tượng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Được xây dựng từ năm 1931 dưới thời Pháp thuộc với tên gọi ban đầu là Renault Field, sân từng là công trình thể thao lớn nhất Đông Dương. Đến năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, sân chính thức mang tên Thống Nhất và trở thành sân nhà của các đội bóng hàng đầu như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TPHCM…
Sân Thống Nhất đã chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam, từ trận đấu giao hữu đầu tiên sau ngày thống nhất giữa đội Hải Quan và Ngân hàng hồi tháng 9-1975, đến “trận cầu thống nhất” giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt” năm 1976. Đó là nơi chứng kiến giây phút vô địch của Cảng Sài Gòn vào năm 1986, chức vô địch quốc gia đầu tiên của TPHCM.
Đây cũng là nơi mà cặp tiền đạo nổi tiếng Lê Huỳnh Đức - Trần Minh Chiến ghi những bàn thắng đưa Công an TPHCM vô địch năm 1995, giúp bóng đá TPHCM hai mùa liên tiếp vô địch quốc gia sau danh hiệu của Cảng Sài Gòn một năm trước đó. Đây cũng là nơi tổ chức Cúp Độc Lập năm 1995, khơi nguồn cho sự khởi sắc của bóng đá Việt Nam.
Cho đến nay, cả sân Tao Đàn lẫn sân Thống Nhất vẫn đang sừng sững cùng thời gian, lưu giữ lịch sử và hiện tại, nhắc nhớ về thời hoàng kim chưa xa của bóng đá thành phố. Hành trình từ sân Tao Đàn đến sân Thống Nhất không chỉ là sự di chuyển về mặt địa lý mà còn là câu chuyện về sự phát triển của bóng đá Sài Gòn - TPHCM.
Sân Tao Đàn đại diện cho sự khởi đầu, nơi những tài năng trẻ được rèn luyện, nơi các cầu thủ nghiệp dư cháy hết mình vì đam mê. Trong khi đó, sân Thống Nhất là đỉnh cao, nơi những giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp trở thành hiện thực. Cả hai sân bóng này, dù khác nhau về quy mô và ý nghĩa, đều góp phần tạo nên bản sắc bóng đá TPHCM - một thành phố luôn sôi động, đam mê và không ngừng vươn lên.
Yến Phương