Phản ứng sau thất bại của Indonesia tại ASEAN Cup 2024, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá nước này, tỷ phú Erick Thohir, tuyên bố tầm nhìn của bóng đá xứ Vạn đảo đến năm 2045 là Tốp 50 thế giới và Tốp 9 châu Á. Cơ sở của tham vọng này là kỳ vọng vào GDP bình quân đầu người của quốc gia vạn đảo sẽ tăng lên khoảng 5 lần sau 20 năm nữa.
Việc dùng GDP để xây dựng chiến lược hoặc dự báo phát triển thể thao đỉnh cao không có gì đặc biệt. Về cơ bản, các quốc gia của GDP cao, năng lực của nền thể thao cũng lớn. Dù không tuyệt đối tỷ lệ thuận hoàn toàn theo GDP, nhưng phần lớn các quốc gia đứng đầu Olympic đều là những nước giàu.
Tại Olympic Paris 2024, 7 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2023 đã có mặt trong tốp 10 đoàn dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương Olympic bao gồm: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp và Italy.
Hàn Quốc đứng thứ 13 về GDP và kết thúc ở vị trí thứ 8, Canada đứng thứ 10 về GDP và xếp hạng 12 trên bảng tổng sắp huy chương. Nước có GDP cao thường có nhiều nguồn lực hơn để phân bổ cho các chương trình thể thao của họ, bao gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở đào tạo và hỗ trợ VĐV, nhất là lĩnh vực khoa học ứng dụng, làm tăng cơ hội giành huy chương.
Chiều ngược lại, vẫn có những quốc gia có GDP cao, dân số lớn nhưng không đạt được thành tích cao tại Thế vận hội. Có thể kể đến Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới và xếp thứ 5 về GDP nhưng chỉ giành được 1 huy chương bạc và 5 huy chương đồng, xếp hạng 71 chung cuộc.
Nhưng dùng kỳ vọng GDP để tính toán tham vọng vươn tầm bóng đá như ông chủ của bóng đá Indonesia thì… chưa chắc. Ví dụ như bóng đá Mỹ không thể xem là hàng đầu thế giới dù đội tuyển của họ thường xuyên dự World Cup.
Cũng không nói đâu xa, từ thập niên 1990 đến nay, Indonesia vươn lên trở thành nền kinh tế số 1 Đông Nam Á, nhưng suốt 30 năm qua, bóng đá xứ Vạn đảo chưa từng vô địch khu vực, còn năm ngoái mới lần đầu tiên có HCV bóng đá SEA Games, từ năm 1991. Lần gần nhất mà Indonesia lọt vào Tốp 100 FIFA đã cách đây hơn 20 năm (2004). Nghĩa là ở giai đoạn thịnh vượng nhất của nền kinh tế, bóng đá Indonesia lại thụt lùi.
Phải chăng vì lý do đó mà Indonesia mới quyết định nhập tịch cầu thủ ồ ạt, với đa số là các cầu thủ Hà Lan có chút dòng máu Indonesia. Họ thậm chí sẵn sàng sa thải HLV “công thần” Shin Tae-yong, người từng được thuê để xây dựng một đội tuyển Indonesia từ gốc, để đưa về một HLV Hà Lan “xịn” nhằm đẩy nhanh quá trình dự World Cup.
Hành động này lại chẳng liên quan gì đến yếu tố GDP, thậm chí còn đang gây bất lợi cho việc phát triển bóng đá nội địa, khiến các tài năng trong nước không còn cơ hội lên tuyển.