Giải năm nay chỉ có 10 đội tham dự, thi đấu vòng tròn một lượt, nghĩa là số lượng trận đấu toàn giải không nhiều. Có lẽ cũng đến từ các khó khăn tài chính khiến việc tổ chức phải gói gọn để qua đó tăng số tiền thưởng lên đến 100 triệu đồng cho chức vô địch. Tuy nhiên, nhìn những con số ấy cũng thấy chạnh lòng vì quá khiêm tốn so với số dân của một đại đô thị, kể cả khi đây chỉ là các đội bóng bán chuyên - nghiệp dư.
Với một nền tảng bóng đá phong trào như vậy (không nói đến bóng đá phủi, bóng đá sân 7 người) thì về lý thuyết mà nói, sẽ khó xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ chất lượng cao. TPHCM đủ khả năng kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư để có những học viện đào tạo cầu thủ, vấn đề là “đầu ra” ở đâu khi số lượng CLB từ hạng ba (bán chuyên) đến chuyên nghiệp (hạng nhất và V-League) toàn thành phố cũng chỉ vỏn vẹn 3 đội.
Nếu nói để chuyển nhượng cho các CLB ở những địa phương khác thì lại không hợp lý vì chi phí đào tạo ở TPHCM cao hơn nhiều lần so với các nơi khác, lại không có nguồn “đầu vào” đông đảo. Trong khi đó trước đây, khi thành phố còn đến 3 đội hàng đầu quốc gia, thì cầu thủ từ Trường Nghiệp vụ Thể dục thể thao “ra bao nhiêu, được nhận hết bấy nhiêu”, thậm chí phải đăng ký trước mới được phân bổ.
Có thể không liên quan, nhưng hãy nhìn vào danh sách đội tuyển bóng đá Việt Nam dự ASEAN Cup 2024, ngay từ đợt triệu tập cho giai đoạn chuẩn bị cũng đã không có một cầu thủ nào đến từ TPHCM. Không tính futsal và bóng đá nữ, thì đây là câu chuyện buồn từ nhiều năm qua, cho thấy bóng đá sân cỏ trên phần đỉnh cao lẫn bên dưới phong trào, TPHCM không còn đóng góp được gì cho quốc gia. Đây thật sự là điều mà những người làm bóng đá thành phố phải tìm cách thay đổi.
TPHCM hiện dẫn đầu cả nước về mảng bóng đá học đường, cũng không thiếu sân chơi cho “bóng đá phủi” nhưng lại gần như đứt gãy hệ thống chuyển tiếp giữa phong trào và đỉnh cao. Đó là các CLB bán chuyên của bóng đá sân cỏ 11 người, đi kèm với đó là hệ thống sân bãi phù hợp. Chính khoảng trống này là nguyên nhân sâu xa khiến công tác đào tạo bóng đá trẻ của thành phố không đạt hiệu quả, đi sau nhiều địa phương khác.
Thế nên, ghi nhận nỗ lực của Liên đoàn Bóng đá TPHCM trong việc tổ chức giải bóng đá vô địch TPHCM năm 2024, nhưng làm sao để có những mùa giải thực thụ kéo dài nhiều tháng, với hàng chục đội bóng tham dự, thi đấu trên khắp các quận huyện theo thể thức sân nhà - sân khách đúng nghĩa như trước đây, khi đó con đường trở lại thời hoàng kim của bóng đá TPHCM mới thực sự rõ ràng.