
Chặng 10 từ Huế đi Đà Nẵng dài 117,5 km diễn ra sáng nay được xem là một trong những chặng đua quan trọng nhất giải. Các tay đua phải chinh phục 3 đèo: Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân hứa hẹn có nhiều sự thay đổi trong bảng xếp hạng. Bởi các tay đua mạnh - ứng viên hàng đầu các danh hiệu bắt đầu “mở máy” để chứng minh năng lực thực sự của mình, nhất là các tân ngoại binh.
Vẫn một kịch bản giống như trước đây, sau khi để cho các tay đua có thứ hạng thấp thoát đi lấy điểm ở 2 đỉnh đèo Phước Tượng và Phú Gia, các “ông lớn” mới bắt đầu quyết đấu trên đoạn đường đèo Hải Vân.

Chơi có phần âm thầm trong những ngày qua, Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu tung miếng đánh của mình cho Mikhail Fokin tấn công thoát đi. Với tốc độ cao luôn được duy trì, gần như tất cả các nội binh trong nước, thậm chí cả ngoại binh người Pháp đang giữ chiếc Áo vàng Loic (Dược Domesco Đồng Tháp) bị bỏ lại phía sau. Chỉ có 4 ngoại binh Johnny Hoogerland (TPHCM Vinama), Samuel Jenner (620 Châu Thới Vĩnh Long), Ethan Batt (Le Fruit Maxxis Đồng Nai), Savva Novikov (Nhựa Bình Minh Bình Dương) còn bám đuổi được lên đỉnh đèo với khoảng cách khoảng 20 giây. Với việc cán đỉnh đèo đầu tiên, tay đua 28 tuổi người Nga Mikhail Fokin đã vươn lên đứng đầu bảng điểm Áo đỏ “Vua leo núi”.
Sau khi xuống đèo Hải Vân, Mikhail Fokin tiếp tục “một mình một ngựa” hướng về đích đến tại thành phố Đà Nẵng nhưng đã bất thành trong việc tìm kiếm chiến thắng chặng. Bởi tốp sau, 4 tay đua ngoại binh hợp sức tăng tốc bắt lại khi cách đích chừng 10 km.
Trong giai đoạn cuối, tay đua Ethan Batt ra chân tấn công bất ngờ, thoát được 4 đối thủ còn lại. Anh đã duy trì được tốc độ để thắng Samuel Jenner, Savva Novikov để mang về chiến thắng cho đội Le Fruit Maxxis Đồng Nai.

Về hạng tư trong tốp đầu với khoảng cách hơn 2 phút 30 giây so với Loic Desriac nên Mikhail Fokin chính thức vươn lên mặc chiếc Áo vàng, đồng thời giúp Tập đoàn Lộc Trời vượt qua Dược Domesco Đồng Tháp đứng đầu giải đồng đội sau 10 chặng.
Trong khi đó, cuộc chiến của các nội binh trên đường đèo Hải Vân tranh chấp chiếc Áo cam cũng dần lộ diện các gương mặt đáng giá. Chỉ có 3 tay đua Lê Ngọc Sơn (Tập đoàn Lộc Trời An Giang), Phạm Lê Xuân Lộc (Quân khu 7), Nguyễn Hoàng Sang (Le Fruit Maxxis Đồng Nai) cho thấy sức mạnh đi đèo tốt khi bám dính được các ngoại binh ở giai đoạn đầu.

Tuy sau đó vẫn bị các “ông Tây” bỏ lại, nhưng bộ ba vẫn tạo được khoảng cách với phần còn lại, khẳng định được khả năng đi đèo của mình. Nhờ đó, tay đua Lê Ngọc Sơn chính thức lên mặc chiếc Áo cam từ tay người đồng đội ở đội Tập đoàn Lộc Trời là Nguyễn Tấn Hoài. Tay đua đã 3 lần mặc chiếc Áo trắng chung cuộc Phạm Lê Xuân Lộc (Quân khu 7) đã vượt qua Đặng Văn Pháp (620 Nông Nghiệp Vĩnh Long) để có cơ hội lần thứ 4 trở thành tay đua trẻ xuất sắc nhất giải.

Chia sẻ sau chặng đua đầy biến động trên bảng xếp hạng, tay đua Lê Ngọc Sơn cho biết: “Trước khi xuất phát, tôi đặt mục tiêu cố gắng đeo bám các đối thủ trên đường đèo, nhất là với các đối thủ mạnh. Tôi đã đeo bám Hoàng Sang và Xuân Lộc để có được thành tích tốt. Đèo Hải Vân chỉ 10 km rất nặng so với VĐV Việt Nam nhưng dễ dàng cho VĐV ngoại. Vì thế việc đeo bám với các đối thủ nước ngoài khó khăn. Đội Tập đoàn Lộc Trời An Giang có ngày thi đấu thành công và quyết tâm bảo vệ thành tích đoạt được ở các chặng tới”.
Ngày mai (14-4), Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM – Tôn Đông Á 2025 tranh tài chặng 11 từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ (Quảng Nam) dài 86 km.