Đừng tiếc cho U20 Việt Nam

Có lợi thế sân nhà và cũng chỉ cần 1 điểm là có thể giành quyền vào vòng chung kết châu Á, nhưng đội bóng trẻ của HLV Hứa Hiền Vinh đã không làm được. Để thua U20 Syria 0-1, U20 Việt Nam lần đầu vắng mặt ở ngày hội bóng đá trẻ châu Á kể từ năm 2008.

U20 Việt Nam (trái) thất bại trong nỗ lực tranh vé dự vòng chung kết U20 châu Á
U20 Việt Nam (trái) thất bại trong nỗ lực tranh vé dự vòng chung kết U20 châu Á

Thắng, thua trong bóng đá là bình thường, nên thất bại của U20 Việt Nam trước một đối thủ ngang tầm cũng không gây bất ngờ. Hơn nữa đây vẫn là một giải đấu trẻ. Cả khu vực Đông Nam Á cũng chỉ có U20 Indonesia và U20 Thái Lan là giành vé đi tiếp. Nếu có tiếc thì tiếc vì chúng ta không thể đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ cần một trận hòa. Diễn biến trận đấu cho thấy U20 Việt Nam đã không có những “bài vở” rõ ràng để hướng đến kết quả có lợi. Họ chơi khá tự phát dù lối chơi phòng ngự - phản công vẫn được xem là sở trường của bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, tư duy chiến thuật của cầu thủ U20 còn yếu, bên cạnh kỹ thuật cơ bản kém xa so với những lứa cầu thủ trẻ trước.

Chợt nhớ đến cặp bài trùng Gede - Hoàng Anh Tuấn của U19 Việt Nam trước đây. Làm việc chung với nhau trong 4 năm, một người là giám đốc kỹ thuật, người kia là HLV trưởng có thời gian làm bóng đá trẻ rất dài, họ cùng tạo ra một thế hệ vàng son cho bóng đá trẻ Việt Nam mà đỉnh cao là dự U20 World Cup 2017. Thành tích của các đội U19 dưới thời của họ cũng có những kết quả chưa tốt, nhưng cả hai vẫn kiên trì để xây dựng một tập thể với chất lượng và tư duy chơi bóng đồng đều cho cầu thủ trẻ.

Cặp bài trùng này hiện đã tái hợp nhưng là ở CLB B.Bình Dương chơi tại V-League. Họ cũng có kế hoạch phát triển bóng đá trẻ bài bản cho đội bóng Đông Nam bộ. Về lý thuyết, họ làm ở đâu thì cũng tốt cho bóng đá trẻ Việt Nam, nhưng phải thấy rằng các đội tuyển U của chúng ta đang rất cần một cặp đôi như vậy.

Ở Việt Nam, hệ thống thi đấu giải trẻ có quá ít trận đấu trong năm. Nghĩa là cầu thủ trẻ không có thời gian để rèn luyện chiến thuật. Họ càng không có cơ hội để đá ở V-League hay giải hạng nhất để tích lũy kinh nghiệm và tư duy đấu pháp. Chỉ đến khi thành lập các đội tuyển U thì những cầu thủ mới có cơ hội học về chiến thuật ở trên tuyển với khoảng thời gian nhiều hơn ở cấp CLB. Đó là lý do mà các đội tuyển U nên có vị trí giám đốc kỹ thuật hoặc những HLV chuyên trách như ông Hoàng Anh Tuấn trước đây.

Mặc dù không đặt nặng thành tích ở bóng đá trẻ, nhưng điều giới chuyên môn và người hâm mộ mong muốn thấy ở độ tuổi U20 là phải chơi bóng bằng tư duy, có chiến thuật rõ ràng. Đáng tiếc, đó lại chính là điều chưa có được ở đội U20 Việt Nam hiện nay.

Tin cùng chuyên mục