Coi chừng… mất thắng!

Tay vợt số 1 làng quần vợt nam của Việt Nam Lý Hoàng Nam vừa khẳng định, tạm gác sự nghiệp quần vợt để chuyển qua theo đuổi pickleball, môn thể thao mới du nhập và đang tạo ra sức hút lớn đối với cộng đồng người chơi thể thao khắp cả nước.

Cảm thấy hứng thú và chơi tốt pickleball thì mừng cho tay vợt từng vô địch SEA Games. Thế nhưng, trong bối cảnh quần vợt nam Việt Nam mới chỉ vừa “hừng” lên, chen chân vào tốp đầu tại đấu trường SEA Games, tìm được vị thế ở Davis Cup thường niên, thì đấy lại là tin không vui. Tay vợt 28 tuổi đang đứng trong tốp 700 thế giới tìm cho mình một ngã rẽ mới, nhưng trên thực tế đã để lại một khoảng trống rất lớn đối với quần vợt Việt Nam.

Sau Lý Hoàng Nam, còn nhiều “cao thủ” quần vợt muốn chuyển sang chơi pickleball? Câu trả lời là “sẽ còn rất nhiều”. Bởi lẽ, pickleball dù “sinh sau, đẻ muộn” so với quần vợt, cầu lông hay bóng bàn, nhưng vì dễ tập, không đòi hỏi quá khắt khe về kỹ thuật nên phong trào mới lan rộng như ngày nay, gần như trở thành môn thể thao cho mọi người rèn luyện sức khỏe.

Đặc biệt, các vận động viên đang tập luyện những môn thể thao tương tự kể trên có thể chuyển sang chơi pickleball và tốc độ làm quen, giỏi lên rất nhanh.

Người trong giới pickleball còn nhận định rằng, với tốc độ thích ứng cực nhanh của một tay vợt khác là Trịnh Linh Giang, anh sẽ tiệm cận trình độ của các vận động viên hàng đầu thế giới ở tương lai gần. Khi đó, tất nhiên, quần vợt chỉ còn là… quá khứ trong tâm trí của Linh Giang, Lý Hoàng Nam hay thậm chí là nhiều tay vợt khác nữa.

Cho nên, điều khiến giới quản lý môn quần vợt đau đầu nhất lúc này chính là tìm nhân sự đủ trình độ và bản lĩnh để lấp vào chỗ trống mà Hoàng Nam và nhiều đồng đội của anh để lại trong chiến dịch chinh phục SEA Games 33 vào cuối năm nay (sân chơi mà ở 3 kỳ gần nhất, Lý Hoàng Nam có 2 lần giành HCV và 1 lần đoạt HCB).

Trong vòng 10 năm trở lại đây, quần vợt Việt Nam mới tạo dựng được chỗ đứng cho mình ở các giải đấu khu vực, châu Á và chen chân vào bảng xếp hạng quần vợt chuyên nghiệp thế giới. Điều đó khích lệ các địa phương và nhiều gia đình có điều kiện đầu tư cho con em mình theo đuổi môn thể thao thuộc hệ thống thi đấu chuẩn mực của Olympic.

Thế nhưng, đà tiến đó giờ đây đứng trước nguy cơ… đứt thắng, khi một thế hệ tài năng của quần vợt Việt Nam đang chủ động quay lưng và từ bỏ.

Tin cùng chuyên mục