Cảm xúc là điểm yếu



Chúng ta đã đốt pháo sáng trên khán đài, sốt vé trên sân và cũng đã ra đường ăn mừng chiến thắng. Thậm chí, đội tuyển cũng đã có tiền thưởng. Gần như tất cả những gì cần để thể hiện niềm vui chiến thắng đã được thể hiện.  Nhưng đội bóng của HLV Park Hang-seo chưa đi đến đâu cả. Đó là sự thật. 
ĐT Việt Nam trên sân tập sáng 26-11. Ảnh: MINH HOÀNG
ĐT Việt Nam trên sân tập sáng 26-11. Ảnh: MINH HOÀNG

Qua 11 lần tổ chức AFF Cup thì chỉ mới 2 lần đội tuyển phải dừng chân ở vòng đấu bảng. Nghĩa là việc vào bán kết gần như đương nhiên. Ngay ở những giai đoạn khủng khoảng nhất của bóng đá Việt Nam 2001 - 2002, 2013 - 2014 thì đội tuyển vẫn có thể chơi tốt ở vòng bảng, huống hồ gì hiện nay, chúng ta đang có “thế hệ vàng” thứ 3.

Nếu đi vào chi tiết hơn, thực sự đội tuyển Việt Nam vẫn chưa làm được gì quan trọng. Chúng ta vào bán kết chủ yếu nhờ trận thắng Malaysia, trong một trận đấu trên sân nhà và một chút may mắn khi bị đối thủ ép sân phần lớn trận đấu. Hai trận thắng Lào và Campuchia không có gì đáng nói. Trong khi đó, chúng ta lại không thể thắng Myanmar, dù chơi tốt hơn đối thủ. Kết quả đáng ghi nhận nhất là việc không để thủng lưới, nhưng điều này cũng chưa nói lên điều gì khi Việt Nam ở một bảng đấu tương đối nhẹ. Trong khi đó, HLV Park Hang-seo lại “mất” tiền đạo Văn Toàn vì chấn thương, một tổn thất không nhỏ.

Nói như vậy không phải là đánh giá thấp ngôi đầu bảng của đội tuyển Việt Nam, nhưng cần phân tích thật kỹ cuộc hành trình vòng bảng để thấy rằng, chúng ta chưa có thành tựu gì trong chiến dịch “săn vàng” kỳ này. Thế nhưng, việc bày tỏ cảm xúc hình như lại vượt quá mong đợi. Đành rằng, ai cũng có quyền thể hiện niềm vui, nhưng liệu chúng ta có… vui quá đà hay không. Cái gì “quá” cũng không phải tốt.

Đâu chỉ có người hâm mộ, dường như các cầu thủ cũng đang không tiết chế được cảm xúc của mình. Hình ảnh đội tuyển tặng chiến thắng cho Văn Toàn trong trận đấu với Campuchia là một hình ảnh đẹp, nhưng nếu đó là một chiến thắng ở bán kết, hay thậm chí là chiếc cúp vô địch thì sẽ thật trọn vẹn, đặc biệt là với Văn Toàn.

Trong bóng đá, điều nguy hiểm nhất là không kiềm chế cảm xúc. Nó có thể khiến chúng ta đánh giá thấp đối thủ khi để sự hưng phấn lên quá cao. Không nói đâu xa, hiện dư luận đang quan tâm đến trận… chung kết với Thái Lan nhiều hơn những hiểm nguy mà thầy trò HLV Park Hang-seo đang sắp phải đối diện trước Philippines. Trong khi chúng ta trải qua một vòng bảng ít thử thách thì Philippines lại có những “cuộc chiến” thực thụ tại bảng B. Xét về bản lĩnh cũng như khả năng đối đầu khó khăn, Philippines đang có ưu thế hơn hẳn. Nói cách khác, họ rất khó bị đánh bại, kể cả khi Việt Nam được đánh giá cao hơn.

Chính vì thế, việc bộc lộ cảm xúc quá nhiều đang là điểm yếu của đội tuyển Việt Nam. Nguy hiểm hơn, dòng cảm xúc ấy đang dâng lên như nước lũ từng ngày, khi niềm tin đặt vào đội bóng của HLV Park Hang-seo quá lớn.

Có lẽ cũng cần phải nhắc lại một chi tiết rất quan trọng: Bóng đá Việt Nam thường chơi tốt khi đá “cửa dưới” và thường thất bại khi chịu áp lực. Nếu tính từ năm 2004 đến nay, đội tuyển Việt Nam thường dừng chân tại AFF Cup ngay trên sân nhà. Tiger Cup 2004, thua Indonesia 0-3 và bị loại ngay vòng bảng. Bán kết lượt đi AFF Cup 2006 thua Thái Lan 0-2 cũng tại Mỹ Đình. 3 trận bán kết lượt về các kỳ AFF Cup 2010, 2014, 2016 ta đều ngậm trái đắng ngay sân nhà. Thậm chí, ngay tại kỳ tích vô địch AFF Cup 2008 thì cả 2 trận đấu sân nhà ở bán kết và chung kết, đội tuyển Việt Nam đều không thắng được Singapore và Thái Lan ở sân Mỹ Đình.

Tin cùng chuyên mục