Thể thao Việt Nam còn hơn 1 năm chuẩn bị cho mục tiêu giành 5 HCV tại ASIAD 20

Chỉ tiêu ngành thể thao đặt ra là giành 5 HCV tại đấu trường ASIAD 20 diễn ra năm 2026 và tính thời gian thì các HLV, VĐV Việt Nam còn hơn 1 năm nữa chuẩn bị hướng tới tranh tài Đại hội trên.

Chúng ta đã có HCV bắn súng tại ASIAD 19 và đây là môn trọng điểm mà thể thao Việt Nam tập trung đầu tư tiếp tục hướng tới giành thành tích tại ASIAD 20. Ảnh: ĐOÀNTTVN
Chúng ta đã có HCV bắn súng tại ASIAD 19 và đây là môn trọng điểm mà thể thao Việt Nam tập trung đầu tư tiếp tục hướng tới giành thành tích tại ASIAD 20. Ảnh: ĐOÀNTTVN

Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 của thể thao Việt Nam hướng đến trọng tâm quan trọng nhất đấy là giành thành tích vượt bậc (tính về số HCV) tại đấu trường ASIAD và phải có huy chương tại Olympic.

Vào tháng 9-2026, thể thao Việt Nam sẽ tham dự ASIAD 20 tại Nhật Bản. Sau khi Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 được cấp lãnh đạo thông qua và phê duyệt, ban hành thực hiện thì ASIAD 20 sẽ là đấu trường quan trọng đầu tiên mà thể thao nước nhà bắt đầu thực hiện việc đầu tư chuẩn bị để đạt được nhiệm vụ đề ra.

Mục tiêu cụ thể ngay trước mắt đối với ASIAD 20 được chỉ rõ là thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 5 HCV trong các môn bắn súng, karate, đua thuyền, cầu mây. Tiếp đó sau 2 năm, với Olympic Los Angeles (Mỹ) 2028, mục tiêu của chúng ta là 2 HCĐ (môn bắn cung, cử tạ).

2 năm trước khi thi đấu ASIAD 19 (tháng 9-2023), chúng ta có 3 HCV tại môn bắn súng, karate, cầu mây. Để xây dựng quân số bài bản, dài hơi có khả năng ra thi đấu là phải đạt được HCV tại ASIAD thì thể thao thành tích cao Việt Nam vẫn cần lộ trình chuẩn bị. Việc tập luyện, thi đấu cần đảm bảo khối lượng thời gian tích lũy. Trong 2 năm kể từ ASIAD 19, thể thao Việt Nam tập trung tập luyện thường xuyên các đội tuyển thể thao quốc gia làm nhiệm vụ chuyên môn thi đấu quốc tế hàng năm. Tuy nhiên, tuyển thủ tập huấn trên bình chuẩn bị giống nhau và từng đội tuyển chưa phân tách số tuyển thủ trọng điểm để tập luyện chuyên biệt.

Phòng thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam) đã xây dựng phương án sẽ chọn lọc lực lượng VĐV trọng điểm của 17 môn thể thao nằm trong danh sách dự kiến đầu tư trọng điểm để tập trung chuyên biệt nhất từ năm 2026.

Con số được báo cáo, số VĐV dự kiến trọng điểm ở các môn gồm điền kinh (sẽ có 3 VĐV), bắn súng (18), bắn cung (9), taekwondo (10), cử tạ (12), boxing (6), đấu kiếm (6), TDDC (6), xe đạp (4), judo (5), vật (5), bơi (5), cầu lông (5), đua thuyền (34), karate (5), wushu (12), cầu mây (18).

yen-1-3084.jpg
Tài năng trẻ điền kinh Trần Thị Nhi Yến là 1 trong những VĐV sẽ được đầu tư để phát triển mạnh mẽ nhất. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhà quản lý xác định đầu tư theo nhóm 1 là các nội dung, môn thể thao thế mạnh nhiều khả năng tranh huy chương Olympic gồm bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông (tập trung đào tạo tập huấn dài hạn ở nước ngoài khoảng 100-110 VĐV). Nhóm 2 là các nội dung, môn tiềm năng có khả năng tranh huy chương tại ASIAD gồm điền kinh, judo, karate, wushu, TDDC, vật, bơi, cầu mây, xe đạp (kết hợp tập trung tập huấn trong nước và cử đi tập huấn thi đấu ngắn hạn tại nước ngoài theo chế độ đặc thù khoảng 65-70 VĐV).

Dựa trên số VĐV trọng điểm làm nòng cốt, chúng ta phải nỗ lực cao nhất để tìm cơ hội đạt 5 HCV tại ASIAD 20. Dù thực tiễn chứng minh, việc giành 1 HCV tại đấu trường này không bao giờ dễ dàng cho thể thao Việt Nam. Cho biết tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 vừa qua Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam – ông Đặng Hà Việt từng bày tỏ: “Với nguồn lực thực tế, chúng ta đang gặp những giới hạn đối với cơ sở vật chất, lực lượng con người, tài chính. Một số ý kiến trao đổi đóng góp cho rằng nên rút gọn số lượng môn thể thao đầu tư trọng điểm và cũng có ý kiến đưa ra đối rằng chỉ nên đầu tư trọng điểm khoảng dưới 10 môn giành thành tích tại ASIAD và khoảng dưới 10 môn đối với mục tiêu giành thành tích tại Olympic. Cục TDTT Việt Nam vẫn rà soát, cân nhắc và xem xét kỹ ở 17 môn thể thao dự kiến là trọng tâm để xác định trọng điểm đầu tư”.

Tin cùng chuyên mục