Giải quyết chất lượng cơ sở vật chất sẽ đồng bộ nâng tầm thể thao thành tích cao

Thể thao Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến để góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 mà ở đó vấn đề tìm sự đầu tư đồng sẽ cần thiết để giải quyết câu chuyện giành thành tích.

VĐV cử tạ Việt Nam nếu được tập luyện trong các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất thì có thêm cơ hội phát triển tốt năng lực chuyên môn bản thân. Ảnh: MINH MINH
VĐV cử tạ Việt Nam nếu được tập luyện trong các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất thì có thêm cơ hội phát triển tốt năng lực chuyên môn bản thân. Ảnh: MINH MINH

Có cơ sở tốt thì tuyển thủ mới tập tốt

Hiện tại, thể thao Việt Nam đã quy hoạch cụ thể từ đó các đội tuyển thể thao quốc gia khi tập trung (theo từng nhóm nhiệm vụ, mục tiêu) sẽ tập huấn tại 3 điểm chính gồm Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao quốc gia (tại Hà Nội), Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (tại TPHCM, Cần Thơ), Trung tâm Huấn luyện vận động viên trẻ quốc gia (Đà Nẵng).

Ngoài ra, trong sự chuẩn bị chuyên môn, một số nội dung và đội tuyển thể thao quốc gia có thể tập huấn tại Đại học TDTT Bắc Ninh.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, đơn vị tham mưu công tác xây dựng đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao là Phòng thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam) chỉ ra 1 trong những khó khăn lúc này là: “Hạn chế về ngân sách đầu tư cho thể thao thành tích cao. Quy hoạch cơ sở vật chất của các trung tâm huấn luyện quốc gia chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu huấn luyện tập trung quy mô lớn”.

Về thực trạng, cơ sở vật chất tại nhiều Trung tâm huấn luyện thành tích cao dành cho các đội tuyển thể thao quốc gia không hiện đại. Chúng ta thiếu trang thiết bị tốt nhất.

Số liệu thống kê cho thấy Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao quốc gia đang quản lý 15 nhà tập luyện, thi đấu, sân tập; 1 bể bơi; 16 nhà phục hồi chức năng, nhà ăn, nhà nghỉ. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (sau khi gộp đơn vị TPHCM và Cần Thơ) có 19 nhà tập luyện, thi đấu, sân tập; 1 bể bơi; 8 nhà phục hồi chức năng, nhà ăn, nhà nghỉ; Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình có 1 sân vận động, 2 nhà tập luyện thi đấu, sân tập, 1 bể bơi và 2 nhà phục hồi chức năng, nhà ăn, nhà nghỉ. Đánh gia thực tiễn, cơ sở vật chất dành cho tập luyện thể thao quốc gia chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện chuyên môn của các đội tuyển thể thao quốc gia khi được tập trung. Địa điểm tại Hà Nội chỉ đáp ứng 50 % nhu cầu, địa điểm tại TPHCM đáp ứng được 30% nhu cầu còn địa điểm tại Đà Nẵng đáp ứng gần 100% nhu cầu hàng năm. 1 khu tập huấn quốc gia cần hạng mục cơ bản đảm bảo chất lượng là bể bơi, sân bóng đá, đường chạy tiêu chuẩn cho điền kinh nhưng không phải khu tập huấn nào cũng có.

Trong 17 môn thể thao trọng điểm được ngành thể thao xây dựng hướng tới đầu tư quan trọng, 1 số môn như đua thuyền, xe đạp thường xuyên phải tập huấn ở các địa điểm của địa phương. Một số môn trọng điểm vào giai đoạn tập huấn quyết định vẫn tìm phương án chọn điểm tập ở 1 số địa phương do phù hợp cơ sở vật chất. “Nhiều công trình đã xây dựng từ lâu. Hiện tôi được biết chưa xây mới khi mà chúng ta đã ở năm 2025. Nhiều hạng mục chủ yếu sửa chữa, chống xuống cấp và công năng, quy mô nhỏ chưa đồng bộ nên rất khó đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể thao thành tích cao chuyên nghiệp”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT) bày tỏ.

Giải quyết cụ thể

Thể thao là thành tích. Ngành thể thao đã đặt chỉ tiêu cụ thể về số lượng HCV hướng đến các kỳ ASIAD từ năm 2026 đến 2046 và số HCB, HCĐ đối với các kỳ Olympic trong giai đoạn trên. VĐV Việt Nam phải được tập luyện, sử dụng trang thiết bị hiện đại thì trình độ chuyên môn sẽ được nâng cao cải thiện hơn nhằm phát huy tối đa năng lực trước khi ra thi đấu.

IMG_6793.jpg
Khu bể sục phục vụ cho VĐV trong tập luyện tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao quốc gia. Ảnh: MINH MINH

Trong Dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, một nội dung được đưa ra là sẽ bố trí nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương và huy động nguồn lực xã hội nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các trung tâm huấn luyện thể thao thuộc quản lý của các tỉnh, thành phố, ngành Công an Nhân dân, Quân đội đảm bảo nguyên tắc mỗi trung tâm huấn luyện có tiềm nặng, thế mạnh riêng.

Chúng ta đã có Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2003. Tuy thế sau gần 22 năm, việc sử dụng triệt để cơ sở vật chất của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình phục vụ các đội tuyển thể thao quốc gia tập huấn tập luyện dài hạn là không đảm bảo.

Bài tiếp: Thể thao phát triển cần nguồn lực kinh tế

Tin cùng chuyên mục