
Điều cần thiết
Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam – ông Đặng Hà Việt từng trao đổi: “Việc áp dụng khoa học công nghệ đối với công tác quản lý, phân tích dữ liệu và phối hợp trong đào tạo huấn luyện VĐV thành tích cao ở các đội tuyển thể thao quốc gia là điều quan trọng mà thể thao Việt Nam đang xây dựng chương trình thực hiện. Không chỉ vậy, khi có khoa học công nghệ đồng hành, việc tuyển chọn lực lượng VĐV có tiềm năng để là nguồn lực cho tương lai được thực hiện phù hợp theo các chỉ số được đưa ra”. Tại Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ VH-TT-DL ban hành và có hiệu lực từ ngày 14-3 vừa qua, nhóm nhiệm vụ cụ thể đối với áp dụng công nghệ trong thể thao đã được đưa ra rất chi tiết.
Một số đầu việc đã được đưa ra để Cục TDTT Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện như Đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về TDTT do Bộ quản lý; Triển khai ứng dụng công nghệ mới tiên tiến trong tuyển chọn, đào tạo vận động viên, tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng ngừa, chữa trị và phục hồi sau chấn thương đối với vận động viên; Xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu về VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ chuyên môn, kết quả, thành tích thi đấu thể thao, cơ sở dữ liệu về văn bản, cơ sở dữ liệu về kiến thức, phương pháp tập luyện.
Thực tế ghi nhận, 1 số môn thể thao đã sớm áp dụng công nghệ để có những phân tích chuyên môn trong huấn luyện, thi đấu. Các môn đã chú trọng áp dụng công nghệ trong huấn luyện như môn bóng đá, golf, bóng chuyền. Nhiêu đội thể thao, cá nhân đã trang bị phần mềm phân tích dữ liệu từ đó nhận các chỉ số nhằm điều chỉnh đấu pháp, cách thức tập luyện và chọn con người phù hợp khi thi đấu.
Bước độ phá chính là công nghệ
Nếu không có gì thay đổi, vấn đề về đưa công nghệ vào trong công tác đào tạo, huấn luyện để tìm ra con người mạnh mẽ nhất giúp thể thao Việt Nam giành HCV tại Olympic, ASIAD sẽ được trao đổi tại Hội thảo đóng góp ý kiến Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 – 2046 do Bộ VH-TT-DL tổ chức và Cục TDTT Việt Nam thực hiện tới đây. Các chuyên gia về công nghệ thông tin sẽ là khách mời để trao đổi cùng người làm chuyên môn thể thao đối với vấn đề này.
Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết, việc phân tích dữ liệu theo mô hình áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là điều sẽ phải làm và làm sớm. Tuy nhiên, việc làm để hiệu quả phải tính toán cẩn thận bởi AI là xu thế đang được các nền thể thao trên thế giới tiếp cận còn thể thao Việt Nam mới chỉ ở bước sơ khai, đi tìm sự tiếp cận. “Chúng ta sẽ xây dựng ngân hàng dữ liệu đảm bảo bảo mật và phân tích các chỉ số từ khối lượng tập luyện, vận động của các VĐV. Việc làm này cần thời gian và ngành thể thao sẽ tích cực triển khai cũng như có đối tác về công nghệ thực hiện”, ông Đặng Hà Việt đã trao đổi.

Hội thảo chuyển đổi số trong phong trào Olympic Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội cách đây 1 tuần. Trong Hội thảo trên, nhiều ý kiến của các chuyên gia về công nghệ số hóa được trao đổi. Hẳn nhiên, thể thao Việt Nam cần sự đổi mới, cần công nghệ song hành để vận hành hiệu quả nhất.
“Chuyển đổi là cách làm hiệu quả giúp nhà quản lý thể thao bỏ đi sự thủ công, tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian. Đối với HLV và VĐV thì việc số hóa giúp phân tích tốt hiệu quả của mình từ các chỉ số đo lường đưa ra đồng thời phần mềm phân tích dữ liệu sẽ giúp hạn chế tối thiểu nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu cũng như tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc quyết định kết quả” đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam chia sẻ sau Hội thảo trên.