Thể thao phát triển cần nguồn lực kinh tế

Muốn có sự thành công trong thể thao thành tích cao thì nguồn lực đầu tư phải mạnh mẽ và tập trung.

Thể thao Việt Nam cần nguồn lực mạnh và bền vững tập trung đầu tư trọng điểm cho nhóm môn quan trọng hướng tới giành kết quả cao ở đấu trường Olympic và ASIAD. Ảnh: CỤCTDTTVN
Thể thao Việt Nam cần nguồn lực mạnh và bền vững tập trung đầu tư trọng điểm cho nhóm môn quan trọng hướng tới giành kết quả cao ở đấu trường Olympic và ASIAD. Ảnh: CỤCTDTTVN

Giải pháp đầu tư ra sao

Báo cáo từ Phòng thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam) đưa ra thì nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong thực hiện Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 gồm: Quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao đầu tư trọng tâm, trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo VĐV; Hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả huấn luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao; Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù của thể thao thành tích cao; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện; Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy năng lực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp về TDTT.

Dự kiến kinh phí thực hiện cần khoảng 180 tỷ đồng/năm trong từng giai đoạn để đầu tư trọng tâm vào 17 môn trọng điểm.

Theo quan điểm của chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT) thì nếu chúng ta tập trung đầu tư, không dàn trải chắc chắn sẽ đảm bảo hiệu quả về chất thay vì chỉ đưa ra nhiều số lượng.

Minh chứng đã được nhiều chuyên gia và nhà quản lý dẫn luận thực tiễn, thể thao Việt Nam đã thực hiện không ít giai đoạn đầu tư chuyên biệt cho số ít VĐV chỉ tập huấn, thi đấu để giành kết quả cao nhất. Chúng ta từng đầu tư chuyên biệt có kế hoạch riêng cho 1 thầy và 1 trò đối với cựu VĐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài ngày tại Mỹ trong thời điểm từ năm 2011 tới 2020. Số liệu chi tiết chưa công bố nhưng sự đầu tư chuyên biệt cho Ánh Viên không dưới 200.000 USD/năm tại giai đoạn trên. “Chúng ta cần thêm sự đồng hành của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao. Khi Liên đoàn, Hiệp hội thể thao năng động tìm thêm nguồn lực từ tài trợ, xã hội hóa kết hợp thêm với nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào hoạt động tập huấn, thi đấu đặc thù”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Vương Bích Thắng nói thêm.

Thách thức cho phát triển kinh tế thể thao Việt Nam

Cục TDTT Việt Nam và các đơn vị liên quan đã 2 lần tổ chức Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023, 2024. Từ Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam kể trên, không ít ý kiến, sự đóng góp về việc tìm cơ hội hoặc biết sử dụng sản phẩm mình đang có (trong các hoạt động thể thao, giải đấu) để tạo ra lợi nhuận nhằm có thêm tiền tái đầu tư trở lại việc đào tạo huấn luyện, tổ chức giải đấu.

Tại Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (bắt đầu hiệu lực từ ngày 14-3), có 6 nhiệm vụ cụ thể đưa ra đối với vấn đề kinh tế thể thao. Trong đó, Đề án phát triển kinh tế thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được lên kế hoạch sẽ xây dựng.

Ở góc nhìn về cơ hội phát triển kinh tế thể thao tại Việt Nam để tìm lời giải giúp thể thao thành tích cao thêm nguồn lực phát triển, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ thể thao – ông Vũ Thái Hồng cho biết: “Nếu chúng ta đánh giá đúng thị trường thể thao tại Việt Nam và tìm biết khai thác tiềm năng của nó, cơ hội thành công có được lợi nhuận không nhỏ”.

IMG_6688.jpg
Cử tạ là môn mà thể thao Việt Nam trông chờ giành huy chương Olympic ở giai đoạn tới đây và muốn hiệu quả phải có kinh phí hiệu quả đầu tư. Ảnh: MINH MINH

Tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024, đại diện của cơ quan thể thao Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế công tác đầu tư tổ chức giải đấu và tìm nguồn lực đào tạo huấn luyện phát triển cho thể thao thành tích cao của mình. Ở đó, nhiều người hiểu vai trò xã hội hóa giữ vị trí quan trọng và từng Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia của phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Lúc này, chúng ta có hơn 40 Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia nhưng thống kê có ít Liên đoàn, Hiệp hội hoạt động hiệu quả, tìm được nguồn lực tự “sống”.

Ở Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, kinh phí để thực hiện được đề ra là huy động từ các nguồn ngân sách trung ương, viện trợ, tài trợ, các nguồn từ Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và những nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đồng thời hàng năm phải đảm bảo bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Tin cùng chuyên mục