Marcus Rashford và áp lực tại Barcelona: Cơ hội hay ngã rẽ định mệnh?

Ngày 25-7-2025, Marcus Rashford đứng trước một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi gia nhập Barcelona dưới dạng cho mượn. Ở tuổi 27, anh mang theo hành trang là 87 bàn thắng tại Premier League cho Manchester United, hai FA Cup, hai League Cup và một Europa League. Tuy nhiên, cái bóng của sự kỳ vọng từ những ngày đầu tiên tại Old Trafford vẫn đè nặng lên vai anh. Nếu thương vụ này không thành công, tương lai của Rashford sẽ ra sao?

Marcus Rashford và áp lực tại Barcelona: Cơ hội hay ngã rẽ định mệnh?

Khởi đầu như một giấc mơ

Hãy quay ngược thời gian về một đêm đông lạnh giá tháng 2 - 2016. Manchester United đối mặt Midtjylland ở vòng 32 đội Europa League. Nếu Anthony Martial không chấn thương trong lúc khởi động, và nếu Man United không thiếu đến 12 cầu thủ, có lẽ Rashford đã không được ra sân. Trận đấu đó, Old Trafford không chật kín khán giả, bầu không khí ảm đạm dưới thời Louis van Gaal càng thêm nặng nề sau thất bại 1-2 ở lượt đi.

Tình hình càng tồi tệ khi Pione Sisto nâng tỷ số cho Midtjylland. Man United gỡ hòa nhờ một bàn phản lưới, nhưng Juan Mata lại sút hỏng phạt đền trước giờ nghỉ. Rồi Rashford xuất hiện. Anh ghi bàn từ đường chuyền của Mata, tiếp theo là một cú volley chân trái từ đường tạt của Guillermo Varela, đưa Man United vượt lên. Kết quả cuối cùng là chiến thắng 5-1. Chỉ trong 12 phút hiệp hai, từ một cái tên vô danh, Rashford trở thành niềm hy vọng mới. Ba ngày sau, anh ghi hai bàn và kiến tạo trong chiến thắng trước Arsenal. Khi ấy, anh mới 18 tuổi, sinh ra tại Manchester, tự tin nhưng không phô trương – một khởi đầu hoàn hảo.

Nếu nhìn lại, Rashford của năm 2016 có lẽ đã mơ về 100, thậm chí 200 bàn cho Man United, một danh hiệu Champions League, hay 20-30 bàn cho đội tuyển Anh. Nhưng chín năm sau, thực tế lại phũ phàng. Rashford ghi 87 bàn tại Premier League, một con số đáng nể, nhưng cảm giác về sự thất vọng vẫn len lỏi. Mùa 2022-23, anh bùng nổ với 30 bàn trên mọi đấu trường, ghi ba bàn tại World Cup. Nhưng hai mùa gần đây, phong độ sa sút với chỉ 19 bàn, trong đó bốn bàn trong thời gian cho mượn tại Aston Villa. Hình ảnh Rashford dần chuyển từ một người hùng đấu tranh vì bữa ăn miễn phí cho trẻ em sang những tiêu đề không hay về các hoạt động ngoài sân cỏ.

Ở tuổi 27, Rashford đang ở đỉnh cao lý thuyết của sự nghiệp, nhưng những cầu thủ bắt đầu sớm thường đạt đỉnh sớm. Với hơn 500 trận ra sân, liệu anh còn giữ được sự bùng nổ? Tại Villa, anh cho thấy một vài tia sáng, nhưng không đủ để thuyết phục họ chi 40 triệu bảng mua đứt. Từ chối bởi Villa, nhưng lại được Barcelona để mắt – một bước tiến có phần bất ngờ, nhưng cũng đầy rủi ro.

Thách thức tại Barcelona

Barcelona không lạ gì với những khó khăn tài chính. Việc đăng ký Rashford và thủ môn Joan García vẫn đang chờ câu trả lời từ các quy định tài chính của La Liga. Mùa trước, họ phải bán quyền sử dụng ghế VIP trong 25 năm cho một công ty Qatar để đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor. Rashford chấp nhận giảm ít nhất 15% lương (từ 325.000 bảng/tuần), nhưng đó vẫn là một khoản chi lớn khi Barca chuẩn bị trở lại Camp Nou được cải tạo.

Tuy nhiên, đây có thể là môi trường lý tưởng để Rashford tìm lại chính mình. Xa rời áp lực không ngừng tại Anh, nơi anh từng bị lôi vào những tranh cãi ngoài chuyên môn, Rashford đến với một La Liga có nhịp độ khác biệt so với Premier League. Barca chơi tấn công rực rỡ, ghi đến 102 bàn ở La Liga mùa trước. Với Raphinha, người ghi 18 bàn từ cánh trái, Rashford sẽ có nhiều cơ hội để tỏa sáng.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: tại sao Barca cần Rashford? Họ không thiếu lựa chọn tấn công với Dani Olmo, Ferran Torres, Pau Víctor, Fermín López, Gavi, và Ansu Fati (dù Fati đã được cho Monaco mượn và Pablo Torre bị bán). Trước Rashford, Barca đã nhắm đến Nico Williams và Luis Díaz. Việc chọn Rashford với mức giá rẻ hơn, kèm tùy chọn mua 26 triệu bảng, cho thấy đây là một canh bạc. Nếu thành công, Barca có một mũi nhọn tốc độ và sắc bén; nếu không, họ chỉ mất một năm tiền lương.

Với Rashford, đây là thời điểm quyết định. Anh vẫn giữ được tốc độ, không có dấu hiệu suy giảm thể chất như Raheem Sterling. Nhưng nếu không thể tỏa sáng tại Barca, tương lai của anh sẽ bị đặt dấu hỏi lớn. Tài năng trẻ ở Premier League thường chỉ cách vài mùa giải thất bại đến những tin đồn về Thổ Nhĩ Kỳ hay West Ham. Rashford từng là biểu tượng của tiềm năng, nhưng tiềm năng cũng có thể là một lời nguyền. Dù có một sự nghiệp đáng nể, cái bóng của những ngày tháng 2- 2016 vẫn khiến mọi thành tựu của anh bị phủ màu thất vọng.

Những tháng tới tại Barcelona không chỉ là cơ hội để Rashford lấy lại phong độ, mà còn là trận chiến cho di sản của anh. Một cú hích đúng lúc có thể đưa anh trở lại đỉnh cao từng được kỳ vọng. Nhưng nếu thất bại, câu hỏi “Marcus Rashford sẽ đi đâu?” sẽ càng khó trả lời hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục