FIFA chuẩn bị công nhận đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan nhưng có thể đã quá muộn

FIFA đã mở đường cho đội tuyển quốc gia nữ Afghanistan tị nạn được đại diện cho đất nước mình, nhưng tổ chức này bị chỉ trích vì hành động quá chậm chạp, 4 năm sau khi các cầu thủ phải rời bỏ đất nước khi Taliban trở lại nắm quyền.

FIFA chuẩn bị công nhận đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan nhưng có thể đã quá muộn

FIFA khẳng định cam kết hỗ trợ các cầu thủ bên ngoài Afghanistan và sẽ tổ chức các trại huấn luyện, cung cấp nhân sự (bao gồm HLV có trình độ và đội ngũ kỹ thuật, y tế) cũng như phối hợp tổ chức các trận giao hữu. Những cam kết này được đưa ra trong một thư gửi đến Liên minh Thể thao & Quyền lợi (SRA), tổ chức đã liên tục kêu gọi công nhận đội tuyển tị nạn - lưu vong.

Đội nữ Afghanistan đã chơi trận đấu chính thức cuối cùng vào năm 2018. Khi đó, bóng đá nữ vẫn chưa bị cấm tại đất nước này. Các cầu thủ hiện tại và cựu cầu thủ hoan nghênh các bước đi của FIFA nhưng bày tỏ sự thất vọng về tốc độ thay đổi. Động thái của FIFA đến quá muộn để đội có thể tham gia vòng loại Cúp bóng đá nữ châu Á 2026, diễn ra hồi giữa tuần, vốn là giải đấu quyết định suất tham dự World Cup nữ và Thế vận hội 2027.

“Cầu thủ chúng tôi muốn chơi cho đất nước mình, chúng tôi muốn đại diện cho phụ nữ Afghanistan và muốn trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói”, cầu thủ đội tuyển quốc gia Mursal Sadat nói. “Chính quyền Taliban đã lấy đi nền tảng đó của chúng tôi. Không chỉ chúng tôi: cần phải nhắc rằng đây là năm thứ tư mà các bé gái không được phép đến trường. Làm sao chúng tôi có thể mong đợi Taliban đàm phán về thể thao khi họ thậm chí không cho phép giáo dục cho phụ nữ? Họ sẽ không bao giờ đàm phán. Thật không may, sự chậm trễ của FIFA đã lấy đi nền tảng của chúng tôi trong suốt 4 năm. Chúng tôi đã hy sinh 4 năm, những năm tháng tuổi trẻ, 4 năm mà chúng tôi có thể đã đại diện, 4 năm mà chúng tôi có thể đã lên tiếng, 4 năm mà chúng tôi có thể đã thúc đẩy thế giới hướng tới sự thay đổi lớn hơn cho phụ nữ Afghanistan. Chúng tôi đã phải đứng ngoài lề xem World Cup nữ 2023. Vậy mà, chỉ trong hai ngày nữa, chúng tôi lại có một đợt bốc thăm khác cho vòng loại Cúp châu Á và chúng tôi vẫn không được phép thi đấu.”

Khalida Popal, người sáng lập đội tuyển quốc gia nữ Afghanistan và là phụ nữ đầu tiên làm việc cho Liên đoàn bóng đá Afghanistan, đánh giá: “Thư của FIFA là một bước tiến tích cực hướng tới hành động hợp tác và công nhận sự hy sinh của phụ nữ Afghanistan cũng như các cầu thủ bóng đá nữ Afghanistan. Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong muốn sự lãnh đạo từ các cơ quan quản lý thể thao. Afghanistan nên là một bài học điển hình để cho thấy các cơ quan quản lý thể thao cần tạo ra hệ thống để phụ nữ không mất đi cơ hội.”

Đội trưởng đội nữ Afghanistan của Melbourne Victory, Fatima Yousufi (trái), Malala Yousafzai và Khalida Popal, giám đốc đội nữ Afghanistan. Ảnh: Kelly Defina/Getty Images
Đội trưởng đội nữ Afghanistan của Melbourne Victory, Fatima Yousufi (trái), Malala Yousafzai và Khalida Popal, giám đốc đội nữ Afghanistan. Ảnh: Kelly Defina/Getty Images

Nhiều tổ chức nhân quyền liên tục kêu gọi FIFA công nhận đội tuyển nữ tị nạn. Đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan đã được sơ tán đến Australia vào năm 2021, và các thành viên của đội trẻ, đội địa phương và nhân viên đã đến Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha, Italy và Albania.

Một báo cáo của SRA công bố vào thứ Ba nêu chi tiết cách bóng đá nữ trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Afghanistan và mong muốn của các cầu thủ lưu vong được đại diện cho đất nước trong các cuộc thi quốc tế. Nhiều cầu thủ đã tiếp tục chơi bóng, với đội tuyển cấp cao của đội quốc gia tham gia giải hạng 7 của bóng đá nữ Australia tại Melbourne vào tháng 3 năm 2022. Vấn đề là theo luật FIFA, việc tổ chức đội nữ Afghanistan thuộc trách nhiệm của Liên đoàn bóng đá Afghanistan (AFF) do Taliban kiểm soát.

FIFA cho biết trong thư rằng họ “cam kết phát triển các biện pháp thực tế và bền vững nhằm thúc đẩy quyền tiếp cận bóng đá cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan ở mức độ lớn nhất có thể” và đã xây dựng một chiến lược cùng kế hoạch thực hiện để đảm bảo cơ hội tồn tại cho phụ nữ Afghanistan cả trong và ngoài nước. FIFA cũng cho biết họ muốn tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy phúc lợi của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan và tham gia đối thoại ngoại giao với các tổ chức và chính phủ trong và ngoài nước để “tìm cách giảm dần sự loại trừ khỏi thể thao của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan theo thời gian”.

FIFA chỉ ra rằng họ đã đóng vai trò trong việc giúp các cầu thủ bóng đá nữ, nhân viên liên quan và gia đình họ rời khỏi Afghanistan. Andrea Florence, giám đốc điều hành của SRA, nói: “Khả năng thi đấu quốc tế của các cầu thủ bóng đá nữ Afghanistan hoàn toàn phụ thuộc vào sự can thiệp của FIFA. Thư của FIFA đáp lại báo cáo của chúng tôi đã trình bày chiến lược của họ để hỗ trợ phụ nữ Afghanistan. Thật tuyệt khi nghe rằng FIFA đang nỗ lực thúc đẩy cơ hội thi đấu cho các cầu thủ, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng họ sẽ quyết định chính thức công nhận đội và phân bổ hỗ trợ tài chính như họ làm với các hiệp hội thành viên khác.”

Tin cùng chuyên mục