Những gì đọng lại sau 2 trận thắng trước Lào và Campuchia cho thấy lối chơi của U23 Việt Nam vẫn để lại nhiều dấu hỏi, nhất là trận thắng chật vật trước U23 Campuchia, đội bóng đã có tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây. Khi Campuchia chủ động chơi pressing tổng lực thay vì phòng ngự số đông, U23 Việt Nam gặp khó khăn trong việc triển khai lối chơi. Chúng ta thắng nhờ giá trị của các cầu thủ ngôi sao, nhưng về lối chơi vẫn cần cải thiện.
Dễ nhận thấy U23 Việt Nam đang đá lệch cánh, khi những mảng miếng chủ yếu tập trung ở cánh trái, nơi có sự hiện diện của Khuất Văn Khang và Nguyễn Đình Bắc. Họ đều là những người có thâm niên chơi bóng ở V-League nên sự vượt trội cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là chất lượng ở những vị trí khác lại không đồng đều.

Các con số thống kê cho thấy điều đó. Đội bóng của HLV Kim Sang-sik có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình cao nhất giải, đạt 72,5%. Chúng ta cũng có tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên đến 90%, đồng thời là đội có số lần tạt bóng trung bình cao nhất sau vòng bảng, với 26 lần/trận.
Thế nhưng, chúng ta lại không tạo ra hiệu quả cụ thể trên sân. Ví dụ như tạt bóng nhiều nhưng tỷ lệ chính xác chỉ là 24,5%. Thực hiện đến 43 cú sút thì chỉ 4 lần bóng đi trúng đích (tỷ lệ 32,6%), thấp hơn Indonesia (42,9%) và Malaysia (37%). Đội bóng có trung bình 12 pha tắc bóng mỗi trận, trong đó tỷ lệ thành công là 58%, thấp hơn so với Indonesia (66,7%), Malaysia (69,6%) và Philippines (66%). Điều này cho thấy U23 Việt Nam kiểm soát bóng nhiều nhưng không thể tạo đủ áp lực và “kết liễu” sớm đối phương nên dễ bị phản công.

Trận đấu với U23 Philippines hứa hẹn nhiều kịch tính, khi chúng ta phải đối mặt với một “ngựa ô” của giải đấu. Trái ngược với U23 Việt Nam, hành trình của U23 Philippines tại vòng bảng đã tạo nên bất ngờ lớn nhất dù phải đối đầu với những nền bóng đá mạnh trong khu vực. Họ đã gây sốc khi đánh bại U23 Malaysia 2-0 ngay ở trận ra quân và chỉ chịu khuất phục trước chủ nhà U23 Indonesia ở lượt đấu tiếp theo với tỷ số sát nút 0-1.
Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân giàu kinh nghiệm là HLV Garrath McPherson, U23 Philippines đã thể hiện một sức mạnh đáng nể, dựa trên nền tảng phòng ngự - phản công sắc bén. Đặc biệt, họ khai thác cực kỳ hiệu quả hành lang cánh trái, với Banatao Bisong là mũi nhọn nguy hiểm nhất khi anh đã ghi cả hai bàn thắng vào lưới U23 Malaysia.
Lối chơi thực dụng, kỷ luật và khả năng chuyển đổi trạng thái nhanh của U23 Philippines chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ cho U23 Việt Nam. Tuy nhiên, do ở bảng 4 đội nên Phiippines cũng đối mặt với một bất lợi đáng kể là lịch thi đấu dày đặc, ít nhiều ảnh hưởng đến thể lực của các cầu thủ Philippines dù họ rất quyết tâm giành lấy tấm vé dự trận chung kết đầu tiên trong lịch sử của mình ở sân chơi U23.
Thống kê những lần đối đầu giữa hai đội ở cấp độ U23 cho thấy U23 Việt Nam đang có ưu thế. Chúng ta đã thắng 2/3 trận, hòa 1, ghi được 4 bàn thắng và chỉ thủng lưới 1 bàn. Riêng tại giải lần này, U23 Việt Nam còn là đội mạnh nhất về kinh nghiệm thi đấu, lại được dẫn dắt bởi HLV trưởng của đội tuyển quốc gia nên việc khuất phục một U23 Philippines có lối chơi thực dụng, kỷ luật là mục tiêu phải hoàn thành của U23 Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang-sik.