“Cò cầu thủ” là khái niệm chung để nói về công việc môi giới cầu thủ trong thế giới bóng đá. Đó có thể là người đại diện được FIFA cấp chứng chỉ hành nghề, hoặc cũng có thể chỉ là một người bảo vệ quyền lợi thương mại, hoặc người thân quen của cầu thủ. Những gì mà họ mang lại đôi khi sẽ là món hời cho đội bóng nào nhanh tay, nhưng có khi, đơn giản chỉ là chiêu trò “thổi giá”.
Bành trướng
Năm ngoái, CLB Liverpool đã chi đến 57 triệu USD cho phí môi giới cầu thủ. Đây là con số cao nhất giải Ngoại hạng Anh, chiếm khoảng 1/6 trong tổng số 340 triệu USD mà 20 CLB Anh đã chi cho các người đại diện của cầu thủ. Con số này nhiều hơn gần 70 triệu USD so với năm 2017. Đi kèm với phí lót tay tăng là sự xuất hiện của những hợp đồng “bom tấn”.
Thương vụ Van Dijk của Liverpool biến cầu thủ này trở thành trung vệ đắt giá nhất lịch sử bóng đá. Kế tiếp là thủ thành đắt giá nhất lịch sử Alisson Becker… Các trường hợp của Paul Pogba tại Man.United, hay mới đây là hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Man.City dành cho tiền vệ Rodri, đều có bóng dáng các “siêu cò” hàng đầu thế giới như Jorge Mendes, Raiola.
Vì sao cò lại ngày càng quan trọng? Nó xuất phát từ nhu cầu cầu thủ bóng đá hiện đại. Đã qua rồi cái thời mà một CLB như Arsenal có thể cử đến cả ngàn tuyển trạch viên đi khắp nơi trên thế giới để đưa về London những hạt giống tiềm năng và trực tiếp đào tạo. Những nguồn tiền khổng lồ từ thành tích thi đấu buộc các CLB phải luôn có trong tay đội hình tốt nhất, ngay cả trên băng ghế dự bị. Họ không thể chờ thời gian để tự đào tạo. Hơn nữa, sự phát triển chiến thuật thi đấu hiện đã ở mức rất cao, trở thành hệ thống hoàn chỉnh nên các HLV cần mua những con người phù hợp một cách chính xác.
Trong cuộc họp mới đây, UEFA đã tiến hành thảo luận về khả năng thu phí đại diện cầu thủ, trong bối cảnh những tay “cò” càng ngày càng kiếm được bộn tiền từ các các thương vụ mua bán, được xem là nguyên nhân khiến các “cò” đẩy giá các ngôi sao lên con số không tưởng nhằm thu lợi. Thế nhưng, theo một báo cáo của FIFA, trong tổng số 14.591 hợp đồng chuyển nhượng toàn cầu trong năm 2016 thì chỉ có 14% có trả phí, phần còn lại là chuyển nhượng tự do. Tổng số tiền gần 5 tỷ USD chi cho chuyển nhượng cũng không phản ánh hết các vấn đề bởi có nhiều bản hợp đồng mang tính chất trao đổi 2 chiều mà giới “cò” không nhận được tiền lót tay. Hơn nữa, những khoản chi lớn nhất tập trung ở các CLB nhà giàu, vốn rất cần vai trò của những “siêu cò”. |
Phức tạp như vậy mới cần đến “siêu cò” số 1 thế giới Jorge Mendes. Đầu tiên là Rodri bày tỏ ý định ra đi. Kế đến là Man.City kích hoạt điều khoản mua đứt hợp đồng 70 triệu EUR và sau đó là Rodri sang Manchester. Nghe thì thấy dễ dàng, nhưng điều khoản mua đứt hợp đồng ấy là do Jorge Mendes cung cấp cho Man.City, đồng thời Mendes cũng phải “vuốt” A.Madrid bằng cách đưa “tiểu Ronaldo” 19 tuổi người Bồ Đào Nha, Joao Felix sang A.Madrid thay vì bán cho Juventus. Số tiền mua Joao Felix là 120 triệu EUR, nếu không để Rodri đi thì lấy đâu ra tiền?
Cả Man.City, A.Madrid lẫn Rodri và Joao Felix đều đạt được mục đích của mình. Riêng với Jorge Mendes, không biết Man.City trả cho ông bao nhiêu phí lót tay, chứ riêng thương vụ Felix đã giúp ông bỏ túi 36 triệu EUR.
Lũng đoạn
Với bản chất là kinh doanh cầu thủ nên phí lót tay càng cao, cũng có nghĩa là “cò” phải có khả năng “thổi giá”, điều này dẫn đến sự lũng đoạn thị trường. Hè 2010, cả thế giới ngỡ ngàng khi biết Man.United của “cáo già” trên thị trường chuyển nhượng là Sir Alex Ferguson bỏ 9 triệu EUR để mua cầu thủ 20 tuổi Bebe vốn chẳng ai biết. Đó là cầu thủ duy nhất mà Sir Alex chưa từng xem qua trước khi mua trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình.
Hai năm ở Man.United, Bebe đá đúng 2 trận còn Jorge Mendes nhận gần 4 triệu EUR “tiền cò”. Tất nhiên, Sir Alex không “điên” khi gật đầu dễ dàng với thương vụ ấy. Trước đó, năm 2003, chính Jorge Mendes đã tiến cử Ronaldo. Đến năm 2007, thêm Nani và Anderson; rồi năm 2009, Mendes môi giới cho Ronaldo sang Real để Man.United thu lãi đến 68 triệu EUR. Tính ra, có “hớ” vụ Bebe thì Man.United vẫn không thể trách Mendes được, nhưng đây chính là lý do khiến một huyền thoại như Sir Alex rất ghét các “cò”. Ông từng chửi “siêu cò” Mino Raiola, đại diện của Paul Pogba, bằng ngôn từ rất thậm tệ.
Nhưng những người tự mình xây cả đế chế như Sir Alex không nhiều. Đa số các giám đốc điều hành CLB và cả HLV gần như phải nhờ cậy “siêu cò”. Khi nghỉ hưu, ông Alex thà chọn David Moyes thay mình chứ không phải là Mourinho. Bản thân HLV người Bồ Đào Nha này cũng tự tiến cử mình nhưng chẳng ăn thua, chỉ đến khi đích thân Jorge Mendes vào văn phòng, gặp Phó chủ tịch Ed Woodward cùng với bản danh sách các cầu thủ mà ông ta sẵn sàng đưa về sân Old Trafford thì Mourinho mới được chấp nhận tại Man.United.
Sau Mendes, đến lượt “siêu cò” Raiolo xuất hiện với các thương vụ Lukaku, Paul Rogba… Như đã biết, các bản hợp đồng khủng ấy của Man.United đến nay không đạt hiệu quả mong muốn và cũng trên đường rời khỏi sân Old Trafford thông qua sự dàn xếp của “siêu cò”. Một ví dụ cho sự lũng đoạn, đó là trường hợp Raheem Sterling rời Liverpool sang Man.City.
Dân Liverpool chửi Sterling thì ít, mà chửi Aidy Ward, đại diện của anh ta thì nhiều. Vì Ward xúi giục Sterling non nớt đòi tăng lương, làm mình làm mẩy để được ra đi. Phi vụ đó giúp Aidy Ward bỏ túi 2 triệu bảng, còn Sterling thì là một trong những nguyên nhân khiến cho Liverpool chưa thể vượt qua Man.City ở giải ngoại hạng. Sau này, Aidy Ward “giở bài cũ” thông qua tiền đạo trẻ Jerome Sinclair gây sức ép với Liverpool. Rút kinh nghiệm, Liverpool không giữ người và hiện chẳng ai nhớ đến Jerome Sinclair đâu cả.
Phẩm giá siêu cò Hồi tháng 5 vừa rồi, “siêu cò” Raiola đã bị cấm hành nghề 3 tháng vì liên quan đến chuyện xúi giục cầu thủ. Lệnh cấm sau đó được tạm hoãn và ngay lập tức thương vụ của cầu thủ trẻ De Ligt chuyển từ Ajax sang Juventus được tiến hành, xem như một “bom tấn” của mùa hè này. De Ligt là một trong những mục tiêu của Man.United nhưng Raiola dường như đã “bẻ lái” nhằm gây sức ép để giải quyết quyền lợi cho các thân chủ Lukaku và Pogba vốn không nhận được sự thiện cảm tại Old Trafford. Thế nên mới có chuyện, cầu thủ không nói gì, nhưng Raiola lại tuyên bố trên báo là Pobga muốn ra đi, bến đỗ có thể là Real hoặc Juventus. Riêng Lukaku, có thể sang Inter. Thế giới có rất nhiều “cò” cầu thủ nhưng lên đến tầm “siêu cò” thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những người khiến cho cầu thủ yên tâm thi đấu, phần còn lại như đàm phán, tiền bản quyền hình ảnh, giải quyết rắc rối đời tư... đã được thu xếp. Đời cầu thủ lên hương một phần nhờ người đại diện, nếu gặp đúng người khôn ngoan, tài giỏi. Họ không chỉ môi giới để nhận tiền lót tay, mà còn biết đầu tư vào những cầu thủ trẻ ngay lúc 16-17 tuổi. Raiola từng chia sẻ “mánh khóe” nghề nghiệp như sau: “Tôi không thể xem Pogba như một khách hàng đơn thuần mà là một người trong gia đình”. Chính mối quan hệ này đã khiến người kiêu ngạo như Ibrahimovic cũng phải răm rắp nghe lời Raiola. Những người như Raiolo có thể là cái gai trong mắt HLV hay ông chủ CLB nhưng họ vẫn vô cùng quan trọng với thân chủ của mình. Đó là phẩm giá của họ. YẾN PHƯƠNG |