Bóng đá đâu chỉ dành cho “cánh mày râu”
Bóng đá nữ vốn thiệt thòi hơn bóng đá nam vì ít được quan tâm hơn. Thế nhưng, phái đẹp - những người được cho là chân yếu tay mềm, lại vượt qua những định kiến về giới để “bước ra ánh sáng” theo đuổi đam mê và làm nên những cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Bóng đá làm thay đổi cuộc sống của nhiều cô gái và chính thành công của bóng đá nữ Việt Nam trở thành động lực để họ tiếp tục sống với đam mê.
Nhiều cầu thủ nữ sau khi treo giày, thay vì lựa chọn yên bề gia thất thì tiếp tục theo đuổi con đường trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Những Kim Chi, Kim Hồng của bóng đá Việt Nam một thời, không chỉ khẳng định được vị trí của mình trên sân mà ở hậu trường họ cũng thành công trong vai trò là những HLV tài năng.
Mới đây, Quả bóng vàng 2003 Văn Thị Thanh cũng bắt đầu cột mốc mới trong sự nghiệp của mình khi trở thành HLV trưởng của đội nữ Thái Nguyên. Xuất phát điểm là cầu thủ nữ và nhiều năm đảm nhiệm vị trí trợ lý các đội tuyển trẻ quốc gia là lợi thế lớn nhất để cô gần gũi với các học trò, lắng nghe, chia sẻ cũng như truyền lửa cho họ mỗi khi vào sân thi đấu.
HLV Văn Thị Thanh bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng các đội nên có nhiều HLV nữ, không chỉ riêng vị trí HLV trưởng. Bởi vì HLV nữ sẽ nắm bắt tâm lý của các em tốt hơn, dễ gần gũi và chia sẻ với các em. Bóng đá luôn thay đổi, việc quản lý cũng sẽ quyết định một phần của thành công. Và trong bóng đá không có đáp án chính xác, nó luôn vận hành và tồn tại sai số. Tôi thường động viên các em rất nhiều để các em tự tin vào sân, bởi vì đây là nghề của các em, thành công là của các em, còn tôi chỉ đóng vai trò như một người dẫn đường”.
Phụ nữ có thể đi đá bóng, và phụ nữ có thể làm được nhiều hơn thế không chỉ trong vai trò cầu thủ hay quản trị mà còn trong công tác điều hành. Những năm gần đây, nhiều trọng tài nữ Việt Nam đạt các trình độ cấp cao của AFC, FIFA. Ở giải quốc nội, một số trọng tài nữ đã tham gia điều hành các trận đấu ở Giải hạng ba quốc gia. Với các giải đấu dành cho nữ cấp châu lục, các trọng tài Việt Nam cũng luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ.
Mới đây nhất, 2 trọng tài Lê Thị Ly và Hà Thị Phượng được FIFA tin tưởng mời làm nhiệm vụ tại Giải bóng đá nữ vô địch U17 thế giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có trọng tài làm nhiệm vụ ở sân chơi thế giới. Dù luôn bị so sánh với đồng nghiệp nam, nhưng những bông hồng thép luôn nỗ lực từng ngày để thể hiện giá trị bản thân, khẳng định được vị trí của mình. Phía sau những thành công ấy, họ phải đánh đổi bằng một hành trình gian nan vất vả, đánh đổi thanh xuân, nhan sắc và cả hạnh phúc cá nhân.
“Bóng đá là môn đối kháng, nhưng đã ra sân, nam nữ đều giống nhau. Là phụ nữ theo thể thao đã điều khó, thành công lại khó gấp ngàn lần. Đối với tôi, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Tôi tin rằng, mình cứ học hỏi, trải nghiệm, tích lũy từng ngày thì trái ngọt sẽ đến với mình dù sớm hay muộn. Các đồng nghiệp nam làm được, chúng tôi cũng làm được. Thậm chí, chúng tôi có thể làm được nhiều hơn!”, HLV Văn Thị Thanh khẳng định.
Khi quý cô theo đuổi đam mê
Thể thao Việt Nam luôn ghi nhận và tôn vinh những đóng góp không biết mệt mỏi của các vận động viên nữ, cầu thủ bóng đá nữ, bởi họ không chỉ góp phần tạo nên những dấu ấn trên ở sân chơi quốc tế, mà còn khẳng định vai trò và vị thế của nữ giới trong lĩnh vực rất đặc biệt này.
“Cánh chim không mỏi” của võ Việt Sinh ra và lớn lên ở xứ biển Khánh Hòa, Mai Thị Kim Thùy đã được làm quen với những đường quyền, ngọn cước của Vovinam từ thuở nhỏ. Là một gương mặt kỳ cựu của đội tuyển Vovinam TPHCM cũng như đội tuyển quốc gia, Kim Thùy đã gặt hái bảng vàng thành tích với nhiều huy chương đủ cấp độ: từ trong nước, khu vực, châu lục, thế giới, đáng chú ý nhất là hơn 10 HCV thế giới ở những nội dung quyền.
Bằng tình yêu dành cho Vovinam và mong muốn đưa môn võ này phát triển mạnh mẽ, Mai Thị Kim Thùy không đóng khung bản thân trong việc tập luyện và thi đấu, mà cô còn dấn thân đến những vùng đất mới lan tỏa tinh hoa võ Việt. Cô được cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu (chánh chưởng quản môn phái lúc bấy giờ) cho phụ việc và học hỏi chuyên môn trong công tác huấn luyện môn sinh nước ngoài.
Kim Thùy cũng được cử đi huấn luyện ở nhiều đội tuyển quốc gia: Nhật Bản, Romania, Pháp, Italy, Ấn Độ..., hoặc sang Myanmar, Indonesia, Lào, Thái Lan, Singapore… để hỗ trợ trong một thời gian. Mai Thị Kim Thùy chia sẻ: Để trở thành một “người truyền lửa”, bản thân tôi mang trên mình trách nhiệm là sứ giả về văn hóa, về kỹ thuật của Vovinam, mang những tinh hoa của đất nước Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Đối với tôi, người được chọn cho công tác quảng bá cần nhất vẫn là tình yêu với Vovinam. Ngoài những kỹ năng chuyên môn thuần thục, còn phải có một số kỹ năng sống nhất định về việc sinh sống và làm việc tại một quốc gia khác. "Tôi nhớ nhất lần được cử đến Myanmar vào năm 2011. Thời điểm đó, kinh tế nơi đây vô cùng khó khăn, nhưng sự nhiệt tình, quan tâm của người dân và các võ sinh khiến tôi rất xúc động, cũng vơi đi cảm giác nhớ nhà.
Dù gặp khó khăn nhiều mặt, nhưng họ nghiêm túc luyện tập cũng như tiếp thu và khao khát chinh phục những tinh hoa võ Việt. Đó là một trải nghiệm may mắn và tuyệt vời, đã tiếp thêm động lực cho tôi trên con đường võ nghiệp mãi đến tận bây giờ", cô kể. Cũng không tránh khỏi những lúc không đủ điều kiện để các huấn luyện viên, chuyên gia Việt Nam đến tận nơi hướng dẫn.
Lúc này, huấn luyện trực tuyến (online) được xem là phương án tối ưu. Và rồi các môn sinh lại thấy một Kim Thùy cần mẫn sắp xếp các dụng cụ, từ màn hình lớn, đèn chiếu sáng đến các thiết bị kết nối đảm bảo đường truyền tốt... chuẩn bị cho một buổi huấn luyện online cho các võ sinh nước ngoài.