Còn nhớ, tháng 3-2011, HLV Henrique Calisto bất ngờ tuyên bố chia tay bóng đá Việt Nam sau các bất đồng trong công việc với VFF. Chỉ 3 tháng sau, HLV mới được công bố với một bảng lý lịch hoành tráng, đó là cựu danh thủ của bóng đá Đông Đức Falko Goetz. Tính đến tận lúc này, chưa một HLV đội tuyển Việt Nam có bằng cấp và lý lịch dày hơn ông Falko Goetz. Thế nhưng cũng chỉ sau đó vài tháng, ông Goetz bị sa thải vì thành tích tệ hại của đội U23 ở SEA Games 28. Bóng đá Việt Nam từ đó trượt dài, với chính sách dùng HLV nội xen kẽ giai đoạn “Nhật Bản hóa”, trước khi ông Park Hang-seo đến.
Có khá nhiều bài học được rút ra sau cuộc ra đi của “công thần Calisto”. Thứ nhất, một HLV có đẳng cấp cao, sự nghiệp lừng lẫy chưa bảo đảm phù hợp với bóng đá Việt Nam vốn vẫn có độ vênh tương đối lớn với bóng đá chuyên nghiệp thế giới, nhất là ở châu Âu. Thứ hai, yếu tố am hiểu bóng đá Việt Nam cũng không hẳn đem lại thuận lợi trong công việc, minh chứng qua giai đoạn không mấy thành công của các đời HLV: Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng. Cách tốt nhất có lẽ là phải tìm được HLV tổng hòa được 2 yếu tố nói trên.
Cho dù không có được thành công rõ ràng, nhưng giai đoạn HLV người Nhật Bản Toshiya Miura làm việc cũng có những dấu ấn nhất định. Chi tiết này cùng với thành công của HLV Park Hang-seo cho thấy, các ông thầy đến từ 2 nền bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dễ thành công hơn. Họ đáp ứng được cùng lúc 2 tiêu chí: đến từ nơi có trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp cao nhưng cũng tương đối gần gũi về văn hóa với Việt Nam.
Di sản của HLV Park Hang-seo để lại quá lớn, nhưng đó chưa phải là trở ngại lớn nhất khi đi tìm người kế nhiệm. Bởi nói cho cùng, thành tích thi đấu không thể là chuyện nói trước được. Tầm cỡ như Marcelo Lippi hay Guus Hiddink sang Trung Quốc cầm quân cũng không thể đưa đội tuyển tỷ dân dự World Cup. Đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 dưới thời ông Park, thì không có nghĩa là tân HLV phải đưa được đội tuyển giành vé dự World Cup 2026.
Áp lực lớn nhất của VFF đó là tìm người có thể giữ được triết lý, tinh thần Park Hang-seo nhưng lại tạo ra được sức sống, sự tươi mới về chuyên môn. Đây là việc còn khó hơn cả chuyện vượt qua ông Park về thành tích. Nếu tân HLV có không đạt mục tiêu, thì vẫn còn giải thích là thiếu may mắn hay chưa gặp thời, nhưng vấn đề chuyên môn thì khác, nó hiển hiện ngay trên sân. Đá tốt không vô địch thì không sao; thất bại sau một màn trình diễn kém cỏi thì chắc chắn là dư luận sẽ không bỏ qua.
Vì vậy, trong các ứng cử viên được nêu tên gần đây thì dù có danh tiếng nhưng “Phù thủy trắng” Philipppe Troussier lại không thuyết phục bằng những người đồng hương của ông Park, như trợ lý Lee Young-jin hay HLV đội U23 Việt Nam Gong Oh Kyun. Nhưng cũng có thể, VFF sẽ giới thiệu một tân HLV “khủng” hơn…