Athletic Bilbao và trận đấu với cả thế giới trước Man United

Có một ý kiến khá thuyết phục rằng Athletic Bilbao lẽ ra đã góp mặt ở Champions League mùa này, thay vì phải đối đầu với Manchester United để giành vé vào chung kết Europa League tại Bilbao, nếu không vì vài … ly bia quá đà. Không hề mang tính tranh cãi hay giật gân. Dù ít được nhắc đến, nhưng thật khó để phủ nhận.

Athletic Bilbao và trận đấu với cả thế giới trước Man United

Cách đây đúng một năm, Athletic Bilbao đã vô địch Copa del Rey lần đầu tiên sau 40 năm, và sau đó họ đã ăn mừng tưng bừng. Vào ngày được chọn (13/4), họ mang chiếc cúp khổng lồ ấy, và khởi động con thuyền Gabarra thiêng liêng trên sông Nervión, lần đầu tiên con thuyền này lướt đi trên dòng sông Bilbao kể từ năm 1984. Và các cầu thủ đã uống bia. Uống rất nhiều.

"Gabarra" chỉ đơn giản có nghĩa là "tàu sông." Việc sử dụng nó cho lễ kỷ niệm bắt đầu từ năm 1983 để ăn mừng danh hiệu vô địch La Liga của Athletic, và được lặp lại cho cú đúp vô địch vào năm 1984, nhưng sau đó không còn được sử dụng. Con thuyền trở thành một tàu chở hàng trên sông, rồi nghỉ hưu, và được kéo ra khỏi bảo tàng hàng hải Bilbao cho lễ kỷ niệm năm 2024.

Hôm đó, có 162 con thuyền khác trên sông đồng hành cùng Gabarra, và một triệu người hâm mộ đứng trên bờ. Đó là một đội quân đỏ-trắng. Khi một câu lạc bộ tự giới hạn chỉ ký hợp đồng và sử dụng các cầu thủ sinh ra hoặc phát triển ở xứ Basque, mỗi chiếc cúp đều đáng giá gấp 10 lần so với những lễ ăn mừng thông thường. Lễ hội diễn ra vô cùng hoành tráng – một làn sóng đỏ-trắng cuồn cuộn của người Basque – và các cầu thủ của Ernesto Valverde, khi rời thuyền Gabarra, đã tận hưởng khoảnh khắc như những thủy thủ trên bờ: nhảy múa, hát hò và uống rượu vui vẻ, tiệc tùng cho đến khi người cuối cùng dừng lại vì mặt trời đã mọc.

Tối hôm sau, có một trận đấu tại San Mamés gặp Villarreal, một trận đấu quan trọng để gây áp lực lên Atlético Madrid, đội đang đứng thứ tư. Khi "Tàu ngầm vàng" đối đầu với những "thủy thủ say xỉn" vào ngày 14/4, Athletic Bilbao dẫn trước 1-0 cho đến tận những phút bù giờ, nhưng họ mệt mỏi dần. May mắn không mỉm cười với người Basque khi trọng tài cho Villarreal hưởng phạt đền, sau khi Athletic Bilbao đã thi đấu áp đảo nhưng không thể ghi thêm bàn thứ hai hoặc thứ ba, dù đối thủ chỉ còn 10 người trong phần lớn hiệp hai. Dani Parejo sút penalty thành bàn, và sự thất vọng bao trùm sân vận động, sân tập, và cả thành phố.

"Từ khi lên Gabarra, và chuyến đi 2 tiếng rưỡi xuống sông đến San Mamés, chúng tôi đã uống bia như thú", Iñaki Williams thừa nhận trên truyền hình vài ngày sau. "Truyền thuyết kể về trải nghiệm Gabarra, nhưng được sống trong nó thật sự đặc biệt. Đó là một tuần khó khăn; chúng tôi đấu với Villarreal tối hôm sau và suýt nữa đã thắng dù vẫn còn say! Họ chỉ gỡ hòa ở phút 95 – một quả penalty vào góc cao."

Cơn say kéo dài đến trận sân nhà tiếp theo, chỉ hòa với Granada, đội đang vật lộn để trụ hạng. Bốn điểm bị đánh rơi khiến Athletic đến sân Atlético Madrid vào tuần sau với cách biệt ba điểm thay vì dẫn trước một điểm. Họ thua, và thế là hết. Vị trí thứ tư, cùng suất dự Champions League, tuột khỏi những bàn tay vừa nâng cao chiếc cúp Copa trong niềm vui và tự hào.

Nhưng như ai đó đã nói, “mất cái này thì được cái khác”. Ở thời điểm hiện tại, không ai hối tiếc về những gì đã trải qua.

Athletic Bilbao chưa từng vô địch cúp châu Âu, huống chi là cơ hội được gia nhập nhóm cực kỳ hiếm hoi gồm bốn câu lạc bộ (Real Madrid, Inter Milan, Barcelona, Feyenoord) từng vô địch trận chung kết châu Âu tại sân nhà trong 70 năm qua. Đó là động lực thúc đẩy họ trong tuần này và tuần tới: cảm giác rằng đối thủ bán kết Europa League, Man United, dù được kính trọng và giàu thành tích, nhưng... đang cản đường.

Hai câu lạc bộ có nhiều điểm chung, dù không phải là số lượng cúp trong phòng truyền thống.

Ví dụ như biệt danh của sân vận động, và là biệt danh nổi tiếng ngang tên thật? Man United thi đấu tại “Nhà hát của những giấc mơ còn sân nhà của Athletic Bilbao là “Nhà thờ lớn”. Sân San Mamés ban đầu được khai trương năm 1913 khi Athletic mua đất sát một nhà dưỡng lão và địa điểm của nhà nguyện San Mamés (Thánh Mammes) cũ. Truyền thuyết địa phương kể rằng ai đó đã nhận xét: "Nơi đây từng là nhà nguyện, nhưng tôi nghĩ họ sắp xây một nhà thờ lớn." Và thế là xong, cái tên ra đời.

Sân vận động lấy tên của nhà nguyện cũ – để phân biệt với nhà dưỡng lão – và vì người La Mã từng ném Thánh Mammes vào đàn sư tử (truyền thuyết kể rằng ông đã khiến chúng hiền lành bằng cách thuyết giảng), Athletic Bilbao và các cầu thủ của họ, trong 112 năm qua, được gọi là "Los Leones" ("Những chú sư tử").

Mỗi nhà thờ lớn cần một người dẫn dắt sự tôn thờ, và ở đây là Valverde (biệt danh "Txingurri," trong tiếng Basque nghĩa là "Con kiến." Có thể nói HLV Valverde luôn nhỏ bé và chăm chỉ). Ông suýt trở thành HLV của Man United vào năm 2021 khi Ole Gunnar Solskjaer bị sa thải. Đã có những cuộc đàm phán, nhưng như thường thấy trong bóng đá, chúng lụi tàn thay vì nở rộ.

Vài năm sau, Valverde giải thích với bạn mình, Lu Martín: "Ừ, tôi đã có thể đến Anh, nhưng cuối cùng vì lý do này hay lý do khác, nó không thành. Cuộc sống thường là những hoàn cảnh, đúng không? Sau khi rời Barcelona, sự thật là... tôi có cơ hội đến một vài nơi và... Nhưng tôi không thích nói về những gì tôi chưa làm..."

Ông là một người đặc biệt, Valverde: kỹ sư điện tử, nhiếp ảnh gia có tác phẩm xuất bản, tay guitar rock-and-roll, một người đạp xe thường xuyên hoàn thành những chuyến đi 80km, và khi lớn lên trong những năm 1970 đầy xung đột ở xứ Basque, ông thừa nhận, "dường như có một sức hút đặc biệt với cảnh sát địa phương".

Nico Williams và Athletic Bilbao có cơ hội tranh tài ở trận chung kết Europa League ngay trên sân nhà... nếu họ vượt qua Man United ở bán kết. Cesar Ortiz Gonzalez/Soccrates/Getty Images
Nico Williams và Athletic Bilbao có cơ hội tranh tài ở trận chung kết Europa League ngay trên sân nhà... nếu họ vượt qua Man United ở bán kết. Cesar Ortiz Gonzalez/Soccrates/Getty Images

Ông đã thua trận chung kết của giải đấu này hai lần, cả với Espanyol (với tư cách cầu thủ và HLV). Tuần tới sẽ là lần đầu tiên ông trở lại vùng tây bắc nước Anh kể từ trải nghiệm tại Anfield năm 2019, khi Liverpool đánh bại Barcelona của ông 4-0 để thắng chung cuộc 4-3 ở bán kết Champions League.

Bây giờ là khoảnh khắc của ông và Athletic: Nhà thờ lớn và sau đó là Nhà hát – ngôi đền của bóng đá đang chờ đợi đội chiến thắng. Cựu tiền đạo Aritz Aduriz từng nói: “Tôi tin rằng Athletic Bilbao không chỉ là một câu lạc bộ đối với người hâm mộ của chúng tôi. Nó giống như một triết lý, một tôn giáo nhỏ. Tất cả người hâm mộ Athletic Bilbao coi câu lạc bộ là một phần của họ. Họ cảm thấy mình là một phần của đội bóng. Khi đến San Mamés, họ đến để 'chơi' trận đấu, cùng với đội bóng của họ, giữa những người lớn lên trong cùng môi trường, cùng văn hóa, với những đặc điểm cá nhân rất giống nhau. Họ là một gia đình, Athletic chơi với chính người của mình chống lại phần còn lại của thế giới”.

Đó là lý do mà cho đến nay, có lẽ Bilbao là đội duy nhất trên thế giới chỉ chọn cầu thủ có gốc xứ Basque. Có thể ví von đây là trận đấu của Athletic Bilbao đối đầu Man United, và cả thế giới.

Tin cùng chuyên mục