Xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến: Người dùng nói gì?

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và các giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến hơn với người dân, việc bảo mật thông tin ngày càng trở nên quan trọng và cần đặc biệt được chú ý. Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7-2024, tất cả các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày được yêu cầu phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.

Xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến: Người dùng nói gì?

Nhằm cung cấp một cái nhìn khái quát về tâm lý người dùng trong việc thích nghi với các biện pháp bảo mật mới trong giao dịch trực tuyến, Cốc Cốc đã thực hiện báo cáo nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng từ ngày 1 đến 4-7. Báo cáo này sẽ đi sâu vào phân tích “phản ứng” của người dùng, cũng như những quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định mới này.

Theo khảo sát của Cốc Cốc, tỷ lệ người dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (gồm Internet Banking và Mobile Banking) khá cao và đồng đều ở mọi nhóm tuổi và khu vực. Nhóm tuổi 22-24 chiếm tỷ lệ cao nhất với 77,8%, nhìn chung, nhóm lao động trẻ có xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Hai thành phố “trọng điểm” Hà Nội và TPHCM cũng ghi nhận tỷ lệ người dùng cao hơn so với các khu vực khác.

Khi được hỏi về vấn đề bảo mật thông tin khi áp dụng sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, có hơn 36% người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật, hơn 42% ở trạng thái trung lập và hơn 20% còn lại không lo ngại.

Có tới 50% người dùng 35-44 tuổi lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỷ lệ này ở các nhóm tuổi khác dao động 24%-39%. Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, tuy có khoảng 1/3 người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin nhưng đa số họ đều đồng ý rằng xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.

Theo khảo sát, có gần 70% đáp viên cho biết họ rất đồng ý/ đồng ý với quan điểm này… Có 60% số người dùng cảm thấy việc sử dụng xác thực sinh trắc học tiện lợi hơn so với phương pháp truyền thống như sử dụng mật khẩu/ mã OTP/ faceID/ mã PIN/ câu hỏi bảo mật/ xác thực qua email. Nhưng vẫn có 13,7% cho rằng đây là một phương pháp không tiện lợi bằng.

Quy định xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến được đưa ra nhằm mục đích tăng cường bảo mật và bảo vệ người dùng trước các rủi ro. Tuy nhiên, do quy định chỉ mới được áp dụng chính thức chưa đầy 1 tuần, người dùng vẫn cần thời gian để thực hiện chuyển đổi và thích nghi.

Việc triển khai cũng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Sau đây là một số chia sẻ về trải nghiệm và đề xuất của người dùng nhằm nâng cao hiệu quả khi sử dụng xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục