
Trận hòa 2-2 vào tháng 9 đã gây ra nhiều hậu quả hơn bất kỳ trận đấu nào khác trong mùa giải này cho đến nay, bất chấp nhiều tranh cãi về trọng tài trong mùa giải. Một quan chức tại một CLB khác thậm chí còn ngạc nhiên về việc hậu quả của trận đấu kéo dài đến "ngày thứ sáu" của tuần lễ sau trận đấu.
Trận hòa 2-2 đó đã gây ra sự chỉ trích về trọng tài và nhiều hơn thế, bao gồm cả một màn tranh cãi về cảnh phó chủ tịch điều hành của Arsenal, Tim Lewis, rời khỏi chỗ ngồi mà không bắt tay với các đối tác của Man City. Điều này đã gây ra một số bực tức ở phía bắc London, đặc biệt khi họ cảm thấy rằng các nhân vật cấp cao của Man City không phải lúc nào cũng chào đón họ.
Trong khi đó, nhà đương kim vô địch xem Arsenal là một trong những CLB phản đối mạnh mẽ nhất đối với quyền sở hữu của họ. Điều quan trọng là một phần của sự căng thẳng này đã lan xuống cả phòng thay đồ. Sự ác cảm mạnh mẽ đến mức khi có thông tin tiết lộ rằng City Football Group đang theo đuổi mục tiêu của Arsenal, Sverre Halseth Nypan, thông qua CLB “chị em” Tây Ban Nha của họ, Girona. Một số người nghi ngờ rằng điều này chỉ nhằm đẩy giá lên. Tuy nhiên, sự quan tâm của Girona là có thật.

Bàn gỡ hòa muộn đầy kịch tính của John Stones đã cứu Man City vào đầu mùa giải (Ảnh: Getty)
Dù một số điều nghe có vẻ nhỏ nhặt, việc chiêu mộ cầu thủ lại là chủ đề trung tâm trước trận đấu này, đúng lúc diễn ra ngay trước ngày chuyển nhượng cuối cùng. Điều này liên quan đến cả vị thế hiện tại của hai đội và ý nghĩa của việc chiêu mộ.
Arsenal là một thể chế kinh doanh, với cách xây dựng hoạt động dựa trên các chiến lược cổ điển, trong đó có nhiều cổ đông lớn đến từ Mỹ. Họ tin rằng các quốc gia hoặc các nhân vật liên quan đến nhà nước không nên sở hữu các CLB bóng đá. Họ đưa ra quan điểm rằng cuộc cạnh tranh thể thao không thể hoạt động đúng đắn nếu bao gồm cả các chủ sở hữu liên quan đến nhà nước. Bởi cho dù các tỷ phú có giàu đến đâu thì họ cũng khó lòng đối chọi với một mức độ quyền lực lớn hơn, gần như không thể kiểm soát được đến từ những Quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước theo mô hình UAE, Qatar hay Saudi Arabia đang thực hiện ở Premier League.
Một bên đơn thuần là kinh doanh, một bên thì có quá nhiều nguồn lực và đa mục tiêu. Sự chia rẽ này ngày càng trở nên rõ rệt trong hai năm qua, giữa những diễn biến rộng lớn hơn trong bóng đá toàn cầu và việc công bố các cáo buộc của Premier League đối với Man City vào năm 2023. Đây theo một cách nào đó là tương lai của bóng đá: Mỹ đối đầu với Vùng Vịnh.
Vấn đề này còn sâu xa hơn. Những người ở Arsenal vẫn nói một cách cay đắng về việc câu lạc bộ của họ là nạn nhân lớn đầu tiên của "kỷ nguyên sportswashing". HLV Arsene Wenger đã đặt ra cụm từ "doping tài chính" trong giai đoạn Man City ký hợp đồng với một loạt cầu thủ xuất sắc nhất của Arsenal. Một số cầu thủ trong trận đấu Chủ nhật sẽ sẵn lòng bắt chước màn ăn mừng tai tiếng của Emmanuel Adebayor từ tháng 9 năm 2009, đặc biệt sau mối thù hận từ trận hòa 2-2 đầu mùa giải. Trong khi đó, những người ở Etihad nói về việc họ ngay lập tức bị cảm thấy như những kẻ ngoài cuộc trong các cuộc họp của UEFA sau khi bị tiếp quản vào năm 2008.

Màn ăn mừng tai tiếng của Emmanuel Adebayor trước cổ động viên Arsenal năm 2009 (Ảnh: Nick Potts/PA)
Man City sẽ sẵn lòng chỉ ra số tiền lớn mà Arsenal đã chi cho phí chuyển nhượng, chẳng hạn như việc ký hợp đồng với Declan Rice. Trong khi đó, những người ở sân Emirates khẳng định rằng hóa đơn tiền lương của họ vẫn thấp hơn nhiều. Trong mùa giải 2023-24, khi đội của Mikel Arteta để vuột mất chức vô địch với khoảng cách hai điểm, hóa đơn tiền lương của đội hình Arsenal là khoảng 318 triệu bảng so với 400 triệu bảng của Man City.
Ngoài ra, vẫn còn sự bực tức về việc Arteta rời Man City đến Arsenal vào tháng 12 năm 2019. Ban lãnh đạo Etihad chưa bao giờ hài lòng với cách quá trình này diễn ra. Sau đó, Arsenal gặp phải sự phản đối mạnh mẽ khi Arteta cố gắng mang theo hai thành viên ban huấn luyện, bao gồm chuyên gia đá phạt Nicolas Jover. Trong khi đó, chính những nhân viên này từ lâu đã nhận thấy rằng Guardiola và đội ngũ của ông không còn "vỗ về" họ như trước đây.
Tất cả những điều này càng làm gia tăng cảm xúc xung quanh trận đấu, cũng như – quan trọng hơn – vị thế khác nhau của hai câu lạc bộ.
Một trong những lý do khiến Arsenal thất vọng là vì họ đã tập trung rất nhiều vào việc cuối cùng vượt qua Man City thay vì xây dựng mình trở thành một thứ gì đó mạnh hơn. Sự kèn cựa này đã khiến đội của Arteta không còn ở đẳng cấp của mùa giải trước, trong khi Man City cũng đã suy yếu. Vấn đề là họ có hơn Man City thì vẫn sẽ bị chỉ trích nếu Liverpool vượt qua họ để giành chức vô địch.
Arsenal bị “mắc kẹt” giữa nỗi ám Man City và tham vọng của chính mình. Đó là lý do đến giờ cuối, Arsenal thực sự muốn có một tiền đạo trong kỳ chuyển nhượng này, sau khi hỏi mua Ollie Watkins của Aston Villa, đồng thời đang nỗ lực lớn để chiêu mộ Mathys Tel của Bayern Munich. Tuy nhiên, điều này được cân nhắc với việc đảm bảo rằng bất kỳ bản hợp đồng nào cũng phải phù hợp với kế hoạch dài hạn được tính toán kỹ lưỡng. Tiền đạo lý tưởng là Benjamin Sesko, nhưng việc RB Leipzig đang theo đuổi Champions League có nghĩa là Arsenal sẽ phải chi thêm 50 triệu bảng để có anh ngay bây giờ thay vì chờ đến mùa hè.
Trong khi đó, Man City, sau nhiều năm vận hành tốt, có thể bị chỉ trích vì không đủ nhìn xa trông rộng. Hoạt động chuyển nhượng tháng 1 này có cảm giác như một cuộc đại tu đội hình muộn màng mà họ đã cần từ lâu. Đội hình vô địch Champions League của Guardiola đã trở nên cũ kỹ. Các câu lạc bộ khác vẫn hơi bối rối trước một số thương vụ, cũng như hợp đồng mới của Erling Haaland.
Nghĩa là sau 2-3 mùa bị Arsenal bám đuổi mà vẫn vượt hơn đối thủ, Man City có vẻ cũng bị “mắc kẹt” trong sự thống trị của mình. Như hiện tại, họ có một đội hình với nhiều chiều sâu và tốc độ hơn cho trận đấu Chủ nhật, và có lẽ còn hơn cả Arsenal do chấn thương. Vấn đề là họ hơn Arsenal nhưng không còn hơn các đội khác quá nhiều.
Mối thù hận cay đắng nhất của Premier League đột nhiên trở thành một phần phụ trong một câu chuyện lớn hơn. Tuy nhiên, xét theo địa chính trị hiện đại của bóng đá, điều đó không chỉ là về việc đuổi theo Liverpool má còn là tương lai của cả Arsenal lẫn Man City.


