Nâng tầm thể thao TPHCM

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành thể thao TPHCM đứng trước bước ngoặt phát triển mới. Sự hợp nhất các Sở VH-TT giữa TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ đơn thuần là một thay đổi hành chính, mà còn cho thấy một tầm nhìn chiến lược: hình thành siêu trung tâm thể thao quốc gia.

Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu TPHCM. Ảnh: ĐẠI NGHĨA
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu TPHCM. Ảnh: ĐẠI NGHĨA

Ngày 17-7, Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ VH-TT-DL được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 35 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thuý – chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Sở VH-TT, Sở Du lịch cùng đại diện các phòng ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2025, TPHCM đã tổ chức nhiều sự kiện lớn: kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Trong đó, phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ với trên 40% dân số tập luyện thường xuyên. Thành phố đăng cai nhiều giải quốc gia, quốc tế; chuẩn bị lực lượng dự Olympic, Paralympic. Công tác xã hội hóa huy động hiệu quả nguồn lực, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức hoạt động, khẳng định vai trò tiên phong của TPHCM trong lĩnh vực văn hóa – thể thao.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân cho biết, ngành thể thao TPHCM trong diện mạo mới cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới, linh hoạt, đa chiều, nhằm tận dụng sức mạnh tổng hợp vùng, từ đó nâng tầm thể thao thành một cấu phần quan trọng của đời sống đô thị sáng tạo.

1000023451.jpg
TPHCM cải tạo, nâng cấp nhiều cơ sở vật chất. Ảnh: THANH TÙNG

Sau sáp nhập giữa 3 địa phương, ngành thể thao TPHCM đã hình thành một tầm nhìn chiến lược mang tên Tam giác phát triển. TPHCM với vai trò trung tâm huấn luyện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học thể thao tiên tiến – sẽ kết nối chặt chẽ với: Bình Dương – nơi có tiềm năng dồi dào về phát hiện và đào tạo năng khiếu, đồng thời phát triển công nghiệp thiết bị thể thao nội địa; Bà Rịa – Vũng Tàu – địa phương lý tưởng để phát triển thể thao biển và tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế. 3 địa phương cùng hợp lực sẽ hình thành một “tam giác thể thao” với ba sứ mệnh: huấn luyện đỉnh cao – cung cấp nguồn nhân lực – tổ chức sự kiện thể thao, trên nền tảng số hóa toàn diện, hiện đại và đồng bộ.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Nhân, TPHCM đang quản lý gần 2.000 thiết chế văn hóa – thể thao cấp cơ sở, từ nhà văn hóa, sân bãi, trung tâm thể dục thể thao quận/huyện đến điểm sinh hoạt cộng đồng. Sau khi hợp nhất, số thiết chế văn hóa- thể thao dự kiến lên đến 3.700 cơ sở. Tuy nhiên, sự phân tán quản lý, thiếu tính kết nối và yếu về xã hội hóa khiến nhiều thiết chế hoạt động dưới tiềm năng.

"Chúng ta cũng không thể sử dụng tư duy cũ bằng cách phân bổ viên chức vận hành 3.700 cơ sở này, lúc đó sẽ là một con số nhân lực viên chức lớn kinh khủng. Chúng tôi kiến nghị xây dựng mô hình Mạng lưới thiết chế thể thao mở, mang những đặc điểm như: cơ chế đa chủ thể quản lý; tổ chức khai thác chung – lợi ích chung; chuyển đổi số toàn diện; mở rộng cơ chế hợp tác công tư (PPP) tại cơ sở", vị Phó Giám đốc này cho biết.

Tin cùng chuyên mục