Đặc biệt là trong cuộc gặp với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF), hai bên thảo luận việc triển khai biên bản ghi nhớ giữa VFF và CBF được ký kết vào tháng 3 vừa qua, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva.
Hơn 10 năm qua, VFF đã liên tục phát triển các mối quan hệ quốc tế và đã có nhiều thỏa thuận hợp tác chiến lược mang tính đột phá với các “ông lớn” của làng cầu thế giới, từ Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Brazil, Hà Lan… VFF cũng tập trung sâu vào các hạng mục có tính bền vững như bóng đá trẻ và bóng đá nữ, futsal, nơi các đội tuyển có nhiều cơ hội dự World Cup một cách thường xuyên.
Với mảng đối nội, VFF cũng từng có các hợp đồng hợp tác chiến lược với những tập đoàn kinh tế hàng đầu như VinGroup, Sun Group, Hưng Thịnh… trong các lĩnh vực phát triển bóng đá trẻ, bóng đá nữ và chăm sóc sức khỏe. Các thỏa thuận nói trên không chỉ mang đến các giá trị tài chính mà còn cải thiện các lĩnh vực còn yếu, thiếu của bóng đá Việt Nam như y học thể thao, hồi phục sau tập luyện.
Bóng đá Việt Nam được FIFA, AFC đánh giá là rất năng động trong việc tham gia sâu vào sinh hoạt bóng đá toàn cầu khi là điểm đến của các chương trình phát triển bóng đá từ phong trào cho đến đỉnh cao của các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Các CLB Việt Nam cũng tích cực hợp tác với nhiều CLB danh tiếng để đào tạo trẻ. Các đội tuyển quốc gia thường xuyên được hỗ trợ tập huấn tại những làng cầu nổi tiếng như Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp… Nhưng dù đã có những thành tích đáng chú ý, bóng đá Việt Nam vẫn còn cần thêm những sự hỗ trợ có tính thực chất hơn.
Tiêu biểu như hoạt động đào tạo trẻ và trao đổi cầu thủ. Số lượng các cầu thủ trẻ Việt Nam được ra nước ngoài tập huấn, thi đấu thời gian dài không nhiều, số chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm trong các lĩnh vực đặc thù như công nghệ, y học hay tâm lý cũng khá ít. Trong khi đó, trọng tài và HLV trẻ của cũng hiếm có cơ hội được đến những nền bóng đá phát triển để nâng cao nghề nghiệp. Riêng với mảng tổ chức thi đấu, quản trị bóng đá thì gần như không có những chương trình dài hạn, có hiệu quả ứng dụng.
Việc gắn kết được với các “ông lớn” của bóng đá thế giới cho thấy uy tín cao của bóng đá Việt Nam. Nhưng khi đã có được những cái bắt tay quan trọng ấy, thì phải làm sao để có được những hiệu quả mang tính đột phá mới là điều quan trọng hơn nữa. Qua đó mới có thể tác động sâu đến toàn bộ hệ thống của bóng đá Việt Nam, nhất là khâu đào tạo và phát triển tài năng trẻ cả về tài năng lẫn thể chất trong bối cảnh mà chúng ta vẫn đang phải lo lắng về khoảng trống thế hệ kế thừa.