Cử tạ Việt Nam sẽ thuê chuyên gia ngoại để nâng cao thành tích trọng điểm

Thể thao Việt Nam tiếp tục rà soát để có môn trọng điểm trọng tâm nhất giai đoạn 2026-2046 nhằm nâng cao thành tích tại Olympic, ASIAD và trong đó cử tạ là môn được quan tâm hàng đầu.

Cử tạ Việt Nam đang được yêu cầu tập trung nâng cao chuyên môn hiệu quả từ cách làm để đảm bảo đúng là môn trọng điểm. Ảnh: MINH MINH
Cử tạ Việt Nam đang được yêu cầu tập trung nâng cao chuyên môn hiệu quả từ cách làm để đảm bảo đúng là môn trọng điểm. Ảnh: MINH MINH

Cử tạ Việt Nam nắm bắt sự thay đổi

Thể thao Việt Nam có kế hoạch đầu tư dành cho 17 môn quan trọng theo lộ trình trong giai đoạn 2026-2046 nhằm đạt các tấm HCV tại đấu trường ASIAD đồng thời có HCB, HCĐ trên đấu trường Olympic. Sau Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, nhiều môn thể thao đã thu nhận ý kiến để tính toán xem cần lựa chọn và đầu tư trọng điểm như thế nào. Môn trọng điểm sẽ được tính toán rút gọn trong 17 môn quan trọng từng đề xuất thời gian qua, và dự kiến có thể từ 8 tới 10 môn.

Trong số này, cử tạ được ngành thể thao tiếp tục kỳ vọng là chủ lực để đầu tư trọng điểm hiện thực thành tích tốt nhất trong các kỳ Olympic tới đây.

Từ tháng 6-2025, Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) chính thức áp dụng tổ chức thi đấu nhóm nội dung mới. Theo đó, hạng cân được tổ chức dành cho nam gồm 60kg, 65kg, 71kg, 79kg, 88kg, 98kg, 110kg và trên 110kg. Nhóm nội dung dành cho nữ sẽ là 48kg, 53kg, 58kg, 63kg, 69kg, 77kg, 86kg, và trên 86kg. Tại các báo cáo chuyên môn của bộ môn cử tạ (Cục TDTT Việt Nam) trước lãnh đạo ngành thể thao (trong đó có cả báo cáo ở buổi làm việc ngày 22-4) về kế hoạch chuẩn bị lực lượng, chuyên môn và chỉ tiêu thành tích huy chương với đấu trường Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 chia sẻ đã đưa ra để tập trung then chốt là tìm lời giải làm sao nâng cao chuyên môn cho lực sỹ Việt Nam đạt thành tích tối ưu nhất.

Tìm thuê chuyên gia mới

cu ta vietnam 1.jpg
Chúng ta đã và đang có lực sỹ tốt nhưng bắt đầu phải có lứa kế cận đối với giai đoạn 2026-2046. Ảnh: MINH MINH

Nhà quản lý đã làm việc cùng đại diện Liên đoàn cử tạ Việt Nam, bộ môn cử tạ (Cục TDTT) và ban huấn luyện các tổ nội dung đội cử tạ Việt Nam tuần qua. Sự thống nhất được vạch ra là phương pháp huấn luyện cần thay đổi phù hợp để hiệu quả hơn. Muốn thành công, cách làm phải thực tế và lực sỹ được đào tạo phải tinh nhuệ.

Bài toán trước mắt là đội tuyển cử tạ Việt Nam sớm kiện toàn phương án tìm thuê chuyên gia phù hợp tới Việt Nam làm việc. Năm 2025, đội cử tạ Việt Nam tập trung huấn luyện thường xuyên 38 lực sỹ thuộc đội tuyển quốc gia và 62 lực sỹ thuộc đội tuyển trẻ quốc gia. Chỉ đạo chuyên môn các tuyển thủ đang là HLV cử tạ Việt Nam. Chúng ta có 1 chuyên gia tại điểm tập ở Cần Thơ là bà Daniela Samuilova Kerkelova (Bulgaria). Tuy nhiên, nhóm lực sỹ chủ lực của đội tuyển cử tạ Việt Nam không có chuyên gia từ nhiều năm trở lại đây.

Cục TDTT Việt Nam chấp thuận cho đội cử tạ Việt Nam tìm thuê chuyên gia tốt nhất trong nguồn kinh phí có thể trả lương theo quy định. Liên đoàn cử tạ - thể hình Việt Nam cùng bộ môn cử tạ (Cục TDTT Việt Nam) sẽ phối hợp để có phương án nhân sự này ngay trong tháng 5 tới.

Không phủ nhận tâm huyết làm nghề từ HLV nội khi tập trung đội tuyển cử tạ Việt Nam. Tuy thế, tại 3 kỳ Olympic gần nhất (2016, 2020, 2024), cử tạ Việt Nam đều thất bại. Qua từng lần thi đấu, nhóm lực sỹ hàng đầu của chúng ta như Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Trịnh Văn Vinh đều rơi tạ khi vào cuộc đấu quyết định ở Olympic. Vì lẽ đó, muốn đạt được các tấm HCB, HCĐ tại đấu trường Olympic trong giai đoạn 2026-2046 thì cử tạ Việt Nam phải quyết liệt hơn về cách đầu tư và xác định mục tiêu trọng điểm ngay từ bây giờ.

Tuần tới, cử tạ Việt Nam có 9 tuyển thủ tham dự giải vô địch trẻ thế giới 2025. Nhiều lực sỹ trong nhóm này có triển vọng phát triển các giai đoạn tiếp theo nên chúng ta sẽ có cách đầu tư phù hợp.

Tin cùng chuyên mục