> Thể thao Việt Nam tìm giải pháp để đột phá thành tích năm 2025
Đầu tư môn thể thao nào, nội dung nào hướng tới giành thành tích cao từ đấu trường SEA Games tới ASIAD và Olympic là bài toán đã được Cục TDTT xây dựng sau thực tế của kết quả thi đấu ASIAD 19 và Olympic Paris (Pháp) 2024.
Dựa trên thực tế về lực lượng và khả năng tranh chấp thành tích, bộ phận chuyên môn Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) đi tới thống nhất chọn 17 môn trọng điểm để thể thao Việt Nam tập trung quan tâm đầu tư. Các chương trình thực hiện từ năm 2025. Danh sách 17 môn gồm gồm bơi, điền kinh, bắn súng, TDDC, cử tạ, đấu kiếm, quyền Anh (boxing), taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền (thuộc nhóm Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm ASIAD). “Việc xây dựng nhóm môn mục tiêu, đầu tư cụ thể để hướng vào thành tích cao và đây là môn trọng điểm thực sự nhằm tạo ra sự khác biệt chứ không có sự dàn trải”, đại diện Cục TDTT cho biết.
Đưa quan điểm của mình, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt khẳng định năm 2025 là giai đoạn bản lề trong đó lĩnh vực thể thao sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ hướng tới khởi động các kế hoạch đầu tư dài hơi. “Tính từ năm 2025 tới năm 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Nhiệm vụ chuyên môn và giải pháp để hiện thực các mục tiêu thành tích là rất nhiều vì thế chúng ta phải đầu tư từng đối tượng phù hợp. 17 môn thể thao trọng điểm đối với nhiệm vụ khát vọng nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic”.
Tuy nhiên, dựa trên thực tế, chúng ta vẫn kỳ vọng sự đầu tư phải thực chất từ khâu tuyển chọn lực lượng tới thực hiện tập huấn và VĐV của 17 môn trọng điểm kể trên được cơ hội phát triển hiệu quả nhất. Nhà quản lý Cục TDTT xác định, 17 môn có kế hoạch của mình, tuyển chọn VĐV tiềm năng và tiếp tục phát triển VĐV đang có với sự đầu tư để chọn đúng thầy, đúng nơi tập luyện phát triển hiệu quả năng lực. “Thông qua việc xác định môn, nội dung thi đấu mà dự báo khả năng thể thao Việt Nam có thể giành huy chương, nhà chuyên môn sẽ tuyển chọn VĐV, tổ chức tập huấn các VĐV xuất sắc, HLV giỏi kinh nghiệm, thuê chuyên gia trình độ cao...”, Trưởng Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) – ông Hoàng Quốc Vinh cho biết.
Nếu không có gì thay đổi, Cục TDTT lên kế hoạch sẽ thành lập Hội đồng tuyển chọn thực hiện công tác kiểm tra đánh giá việc huấn luyện các đội tuyển thể thao quốc gia trong từng giai đoạn (từ tập huấn tới thi đấu). Trong sự chuẩn bị khác, việc thuê chuyên gia trình độ cao đồng hành cùng các đội tuyển quốc gia là 1 phương án được làm. Thể thao Việt Nam hiện có chuyên gia làm việc tại các đội tuyển gồm điền kinh, bắn súng, đua thuyền, bơi, cầu lông, wushu, bắn cung, quyền Anh, đấu kiếm. Trong đó, các môn điền kinh, bắn súng, đua thuyền, bơi, cầu lông, bắn cung, quyền Anh từng có tuyển thủ dự Olympic Paris (Pháp) 2024.
ASIAD 19 cách đây 1 năm, thể thao Việt Nam đạt thành tích cao nhất là 3 HCV trong môn bắn súng, karate, cầu mây. Trong các đội tuyển trên, bắn súng có chuyên gia (trong thời điểm tham dự ASIAD 19). Ban huấn luyện cầu mây, karate gồm HLV nội. Thể thao Việt Nam sở hữu không ít HLV, người làm chuyên môn đạt trình độ tốt. Dẫu thế, chưa nhiều HLV được đào tạo trong các khóa nâng cao chuyên môn ở nước ngoài. “Thể thao đang có sự thay đổi tích cực và cần công nghiệp song hành vì thế đội ngũ HLV thể thao Việt Nam cũng sẽ phải tiếp cận thêm nhiều kỹ năng, không chỉ riêng chuyên môn thuần túy...”, ý kiến từ các đơn vị quản lý Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) đưa ra.
Bài tiếp: Quyết tâm cử người tài tập nước ngoài dài hạn