Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã giới thiệu đến các đại biểu, chuyên gia, võ sư trong nước và quốc tế về những giá trị các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, trong đó có võ cổ truyền Bình Định.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam hiện có 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành di sản phi vật thể quốc gia (năm 2012) có chiều sâu lịch sử, văn hóa và ẩn chứa nhiều triết lý sống, thể hiện ý chí tự cường, văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Trong võ cổ truyền Bình Định có những bài quyền, thế võ độc đáo và không chỉ võ thuật mà còn võ đạo, võ y, võ nhạc…
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, võ sư, ngành quản lý văn hóa trong nước và quốc tế cùng ngồi lại để nhận diện giá trị di sản võ cổ truyền Bình Định, hoàn thiện hồ sơ sớm đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Theo các học giả, chuyên gia võ thuật, võ cổ truyền Bình Định bắt nguồn từ thời vua Lê Thánh Tông, nhưng được khẳng định và phát triển rực rỡ nhất vào thời khởi nghĩa nông dân Tây Sơn với vai trò của Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Về sau, võ cổ truyền Bình Định lan tỏa sâu sắc vào cộng đồng, đời sống người dân trên khắp mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện, trong tỉnh Bình Định có 162 võ đường, 136 võ sư, võ sư cao cấp, đại võ sư và trên 5.000 võ sinh, huấn luyện viên, chuẩn võ sư; trong nước có 23 chi phái với 14 võ đường Bình Định; thế giới có 17 chi phái 7 võ đường…
GS.TS Frank Proschan (nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO) đánh giá, võ cổ truyền Bình Định ẩn chứa nhiều giá trị như: đa dạng từ bên trong, lẫn hình thức thể hiện bên ngoài; học viên duy trì, phát triển rất đa dạng, sáng tạo; có tính cộng đồng, tương tác cao; tích hợp với nhiều di sản văn hóa đại diện nhân loại mà Việt Nam đang sở hữu là bài chòi, hát bội; thúc đẩy sức khỏe, tinh thần, đạo đức trong cộng đồng và đặc biệt không phân biệt nam nữ, có tính bình đẳng…
“Để được UNESCO sớm ghi danh, võ cổ truyền Bình Định đang lưu ý các yếu tố như không thương mại hóa quá mức, duy trì sức lan tỏa các giá trị võ đạo, triết lý, rèn luyện sức khỏe cộng đồng, trường học. Đặc biệt, di sản phải có sức sống mạnh mẽ, không nên quá thần thoại hóa hay dựa dẫm quá mức vào quá khứ để tránh những xung đột, tranh cải trong tiến trình phát triển”, ông Proschan nói.
Nhiều nhà khoa học, võ sư cũng có các bài trình bày, ý kiến làm rõ những giá trị nội tại, manh mối mới chưa được khai phá của võ cổ truyền Bình Định, trong đó có võ y, võ đạo, võ nhạc (trống trận Tây Sơn)…
Một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá tổng thể phát triển, sự lan tỏa của võ cổ truyền Bình Định trên khắp Việt Nam và thế giới, trong các mỗi tương quan, liên hệ với nhiều di sản văn hóa khác của người Việt để hoàn thiện hồ sơ di sản đầy đủ hơn.
TS Hồ Minh Mộng Hùng (Bình Định) cho biết, hồ sơ trình UNESCO chỉ có 200 từ, vì vậy chúng ta nên tập trung đánh giá, nhận diện trọng tâm các giá trị cốt lõi của di sản và bám sát vào tiêu chuẩn, công ước UNESCO đã đưa ra. Trong võ cổ truyền Bình Định không chỉ có võ thuật, võ nhạc, y võ, võ đạo… cần được tích hợp để làm tăng giá trị di sản, thuyết phục giới khoa học thế giới.