“Ân oán” từ thời đấu quyền nghiệp dư
Beterbiev đã đấu quyền nghiệp dư từ rất lâu rồi, và hồi 20 năm trước, anh đã bắt đầu giành lấy những tấm huy chương đầu tiên cho Đội tuyển quyền Anh nghiệp dư của nước Nga.
Ở Thế vận hội mùa hè tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi năm 2008, Beterbiev khi đó đang là Á quân Vô địch thế giới vừa đánh bại Kennedy Katende (Thụy Điển) với điểm số áp đảo 15-3.
Bước vào vòng đấu thứ 2, Beterbiev hừng hực khí thế đã bất ngờ để thua điểm số trước đối thủ chủ nhà - võ sĩ người Trung Quốc Zhang Xiaoping - trong một trận đấu gây tranh cãi...
Võ sĩ có quê ở Tích Lâm Hạo Đặc (thuộc Nội Mông - Trung Quốc), sau đó thậm chí phiêu lưu đến tận trận chung kết và giành tấm HCV đầy bất ngờ khi thắng Kenneth Egan (Ailen).
Thời điểm đó, truyền thông Nga cho rằng, Beterbiev đã bị “ăn cắp” chiến thắng vì nếu anh vượt qua được đối thủ Trung Quốc, hầu như không ai có thể cản anh giành tấm HCV!
Cho đến Thế vận hội mùa Hè tại London (Anh quốc) 2012, anh “phi thăng” lên hạng cân nặng và đụng độ ngay... Oleksandr Usyk ở tứ kết, sau khi vượt qua Michael Hunter (Mỹ) ở vòng 1.
Trong trận đấu kịch tính “xa xưa” đó, cả 2 võ sĩ sau này mới nổi danh trong làng đánh quyền chuyên nghiệp, một người ở hạng dưới nặng, người kia ở hạng bán nặng và hạng nặng, tạo ra một trận đấu cực hay để rồi cuối cùng thì, Usyk giành chiến thắng với điểm số 17-13.
Usyk sau đó loại hàng loạt tên tuổi như Terver Pulev (Bulgaria, là em trai của “Rắn hổ mang” Kubrat Pulev), và Clement Russo (Italia) để giành lấy tấm HCV Olympic vô cùng trân quý...
Cho đến khi chuyển sang đấu quyền chuyên nghiệp, Beterbiev đã kinh qua 300 trận đấm bốc nghiệp dư, giành được khá nhiều huy chương ở các hệ giải đấu châu lục - thế giới.
Cuối sự nghiệp, anh “phi thăng” từ hạng 75 kg lên hạng 91 kg vì giành những chiến thắng quá dễ ở hạng cân của mình còn nước Nga muốn có người chiến thắng ở mọi hạng cân.
Beterbiev đã biết đến Bivol trong ngần ấy năm đấu quyền nghiệp dư, dù là họ không hề có mối quan hệ thân thiết nào cả. Tuy vậy, sự nghiệp đánh quyền nghiệp dư của Bivol có phần kém màu sắc hơn. Anh sở hữu thành tích 268 trận thắng - 15 trận thua khi đấu nghiệp dư.
Nhưng anh chưa bao giờ giành vé lọt vào Thế vận hội hay Giải Vô địch thế giới vì những võ sĩ khác cạnh tranh quá mạnh, như kiểu Egor Mekhontsev (HCV hạng dưới nặng Olympic 2012).
Tất nhiên, Bivol vẫn có những chiến tích nghiệp dư đáng kể như là HCV World Combat Games 2013, HCB Summer Universiade 2013 (và tất cả đều ở các hạng cân dưới nặng).
Vì khoảng cách tuổi tác (Beterbiev lớn hơn Bivol 6 tuổi), họ hiếm khi tập luyện hay thi đấu cùng nhau. Beterbiev là một võ sĩ dày dạn kinh nghiệm, còn Bivol chỉ là võ sĩ trẻ tiềm năng.
Thế nhưng, hồi năm 2012, dường như họ đã có trận đấu tập cùng nhau, theo “trí nhớ rất rõ ràng” của Bivol (!??). Võ sĩ có nhiều dòng máu trong người kể lại câu chuyện rất thú vị...
“Khi tôi chuyển lên Đội tuyển quốc gia hồi năm 2012, anh ấy đã hiện diện ở đó, và đã đảm nhiệm vị trí Võ sĩ số 1, là một Thủ lĩnh của đội tuyển”, Bivol nhớ lại và kể câu chuyện.
“Lúc đó, anh ấy tập luyện ở hạng cân bán nặng, còn tôi chỉ là võ sĩ hạng siêu trung. Trước Thế vận hội, chúng tôi đã đấu tập trung vài hiệp đấu, nhưng đó không phải là đấu tập thật sự, chỉ là kiểu trao đổi chiêu thức để giúp đỡ các võ sĩ tham dự đấu trường Olympic”.
Bivol kể câu chuyện thú vị này, nhưng lại khiến Beterbiev cảm thấy “phật lòng”. Võ sĩ người Nga - mang quốc tịch Canada đã đáp trả khá “tàn bạo” về người đàn em - từng là học trò, nay sẽ trở thành đối thủ không đội trời chung trong cùng sàn đài vào ngày mai.
“Anh ta không phải bạn tập của tôi. Anh ta có thể nói bất kỳ điều gì anh ta thích. Tôi không bao giờ cần anh ta, từ một hạng cân nhẹ ký hơn, lên đấu tập với tôi”, Beterbiev khẳng định.
“Năm 2012, tôi đang thi đấu ở hạng 91 kg, anh ta thì chỉ thi đấu ở hạng 75 kg. Thậm chí chuyện này còn không đúng một chút xíu nào”, Beterbiev không tin vào “trí nhớ” của đối thủ.
Phong cách khác biệt, tạo nên trận đấu siêu đẳng
Ngày mai, tại sàn đài “Vương giả” - Kingdom Arena (Riyadh - Saudi Arabia), “trận nhất thống giang hồ làng quyền hạng dưới nặng” giữa 2 võ sĩ người Nga sẽ diễn ra, sẽ rất hấp dẫn.
Hấp dẫn không chỉ vì “ân oán” ở trong quá khứ - thời đấu quyền nghiệp dư, không chỉ vì từ đó sẽ tìm ra “Minh chủ người Nga” đầu tiên trong làng quyền chuyên nghiệp thế giới, hấp dẫn còn vì phong cách đánh quyền khác biệt giữa 2 người hứa hẹn mang lại trận đấu hay.
Bivol là một võ sĩ quyền Anh điển trai, cao dong dỏng và có phong cách ghi điểm mang đậm chất châu Âu. Gã cao gầy mày râu nhẵn nhụi thường xuyên nhún nhảy, lao ra khỏi tầm xuất quyền của đối thủ, dùng sải tay dài để hạn chế đối thủ nhập nội, tạo ra vùng an toàn.
Tuyệt chiêu của Bivol là một cú móc trái dài, thường tung ra khi anh này nhảy ngược về phía sau để thoát khỏi sự áp sát của đối thủ và “cài thế” để đối thủ dính đòn nặng nề.
Trận đấu với Canelo Alvarez là ví dụ hoàn hảo về sự điểm tĩnh, độ chính xác chết người của Bivol. Anh khiến Đệ nhất quyền thủ không kể cân như võ sĩ mới học việc vào sàn đài.
Nhưng lối đánh "quá an toàn" khiến Bivol, đôi khi bị đánh giá là trình diễn “quá buồn tẻ”. Khán giả Saudi Arabia đã từng la ó khi xem màn trình diễn của anh Lyndon Arthur.
So với Bivol, Beterbiev lại trực diện và trực tiếp hơn, mang đối thủ vào những trận KO vô cùng hấp dẫn. Beterbiev không phải là một tay đấm ngốc nghếch, chỉ xông lên và thắng KO.
Về cơ bản, anh là một võ sĩ sở hữu lực quyền mang tính tàn phá cao độ, anh đập tan mọi sự kháng cự, phá nát mọi chốt chặn, tiền đồn, anh tấn công và đấm mọi thứ thành mảnh vụn.
Anthony Yarde, người bị Beterbiev hủy diệt ở hiệp đấu thứ 8 trong trận khiêu chiến tranh 3 đai vô địch của võ sĩ người Nga, đưa ra những đánh giá dựa trên “xương máu” chính anh...
“Beterbiev luôn đoạt lấy linh hồn của các đối thủ, anh ta đánh đập họ cho đến khi nào hết các hiệp đấu, miễn là đối thủ còn cố gắng trụ lại trên sàn đài”, Yarde miêu tả đáng sợ.
“Trận đấu của chúng tôi, ban đầu chỉ như là một trận đấu bình thường, bởi vì chúng tôi đang trao đổi quyền thế và chiêu thức, khi đó, anh ấy dường như vẫn là một con người. Cho đến cuối cùng thì...”, Yarde kể về cái cảm giác trải nghiệm làm nhân chứng “rợn tóc gáy”.