Ngày 24-10 tại sân Thống Nhất, mùa giải đầu tiên của SV-League sẽ khởi tranh, đem theo những kỳ vọng tạo một trào lưu mới trong cộng đồng sinh viên đam mê bóng đá ở TPHCM nói riêng và trên khắp dải đất hình chữ S nói chung.
Mùa giải SV-League 2020 quy tụ các đội bóng đến từ trường Đại học có phong trào bóng đá nổi bật như ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐH Văn Hiến, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách Khoa, ĐH Nông Lâm, ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, ĐH Sài Gòn và khách mời Trường ĐH Cần Thơ.
Sau 2 lần trì hoãn vì dịch Covid-19, SV-League đã đi đến những công đoạn cuối cùng và sẵn sàng bước ra đấu trường lớn. HLV Huỳnh Hồng Sơn, cựu tuyển thủ quốc gia và cũng là HLV của Trường Đại học Bách Khoa bày tỏ: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần cho ngày hội bóng đá lớn của giới sinh viên sau nửa năm tập luyện nghiêm túc và bài bản. Thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ tập luyện, nhưng các cầu thủ của tôi vẫn luôn ra sân hào hứng như ngày đầu tiên. Tôi cảm nhận rất rõ cầu thủ sinh viên háo hức ra sao ở các buổi tập. Nhiều em nói với tôi sau mỗi buổi lên giảng đường, họ mong ngóng từng giờ, từng phút ra sân chơi bóng. May mắn của tôi là phong trào bóng đá Bách Khoa phát triển mạnh và điều quan trọng nhất là niềm đam mê của các em”.
Sinh viên ĐH Văn Hiến tập luyện.
HLV Hà Vương Ngầu Nại của ĐH Văn Hiến thì chia sẻ: “Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện rất tốt cho thầy trò tập luyện đều đặn. Có chút hạn chế là một số sinh viên còn phải đi làm thêm, học thêm nên tôi phải điều chỉnh giáo án sao cho khi vào giải, ai cũng đạt phong độ cao nhất. Chúng tôi hy vọng các cầu thủ chỉ cần hấp thụ khoảng 70% chương trình như CLB chuyên nghiệp thì ổn. Sau ba trận giao hữu gần nhất, ĐH Văn Hiến cố gắng học hỏi và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Theo tôi, ĐH Tôn Đức Thắng có sân riêng đạt tiêu chuẩn và tập thường xuyên sẽ rất đáng gờm. Bách Khoa hay Khoa học Tự nhiên cũng không phải dạng vừa. Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất để chơi những trận cầu chất lượng nhất”.
HLV Nguyễn Đình Long huấn luyện các cầu thủ đội ĐH Tôn Đức Thắng trước ngày vào giải.
Không thi đấu và huấn luyện chuyên nghiệp như 2 cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn kể trên, nhưng HLV Nguyễn Đình Long của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng thể hiện sự tự tin: “Chúng tôi vào mùa giải tập luyện ráo riết hơn. Ngoài sinh hoạt tuần ba buổi thứ 3-5-7 như thường lệ thì có tăng cường thêm hai buổi thứ 4-6 rèn thể lực, Chủ nhật lại đấu giao hữu. Theo tôi, đội bóng nào ở SV-League cũng là một ẩn số thú vị trong một cuộc chơi có Ban tổ chức chuyên nghiệp. Hai trường ĐH Bách Khoa và Khoa học Tự nhiên có truyền thống bóng đá mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi không e ngại bất kỳ đối thủ nào. Cầu thủ sinh viên tiếp thu bài học nhanh. Điều quan trọng là Ban huấn luyện phải gần gũi, hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh để giúp họ chơi tốt hơn”.
Thầy trò đội ĐH Nông Lâm tập luyện.
Thầy Phan Hoàng Vũ cách đây 20 năm từng mang băng thủ quân đội bóng sinh viên TPHCM đá siêu cúp với sinh viên Hà Nội (giờ là trưởng đoàn ĐH Nông Lâm) đánh giá về SV-League 2020: “Dưới sự bảo trợ của những ông bầu đam mê bóng đá, các trường đều an tâm lớn về nguồn kinh phí dự giải và chỉ cần tập luyện sao cho thật tốt. Cái hay ở SV-League không chỉ là bóng đá, nó còn là một sự kết nối công việc giữa doanh nhân và nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Những ông bầu hứa hẹn sẽ tuyển chọn cầu thủ sinh viên sau khi tốt nghiệp ra làm việc cho họ. Điều đặc biệt khác của SV-League còn là khuyến khích học sinh chơi bóng giỏi, học tốt sẽ cộng điểm cho các kỳ tuyển sinh, ưu tiên chọn ngành học phù hợp.
HLV Hồ Văn Tam phải “dụng công” nhiều hơn với đội Đại học Sài Gòn: “Các sinh viên tập mỗi ngày suốt mấy tháng qua, đến cuối tuần lại thi đấu giao hữu. Có điều, các em chủ yếu đá sân nhỏ 5 người nên tôi cần chỉnh sửa nhiều cho sân 11 người, cả việc phải uốn nắn kỹ lực lượng dự bị. Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã chuẩn bị cho... mùa sau với thông báo tuyển quân dành cho lứa tân sinh viên, không chỉ biết đá bóng mà còn phải đá hay, đá đẹp”.