Sẽ lấy thêm mẫu kiểm tra doping tại các giải thể thao cấp quốc gia

Công tác phòng, chống doping của thể thao Việt Nam đang thực hiện nhưng điểm mấu chốt vẫn là số lượng mẫu lấy hàng năm để xét nghiệm còn khá ít.

Việc tăng cường thêm số lượng mẫu để kiểm tra doping luôn là điều được nhà quản lý phải tính toán. Ảnh: MINH MINH
Việc tăng cường thêm số lượng mẫu để kiểm tra doping luôn là điều được nhà quản lý phải tính toán. Ảnh: MINH MINH

> Tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA sẽ có thêm hợp tác với thể thao Việt Nam

Tăng thêm số lượng là phù hợp

Trong chương trình làm việc vừa qua tại Việt Nam, Giám đốc Văn phòng WADA châu Á/châu Đại Dương - bà Mayumi Yaya Yamamoto đã đánh giá cao công tác về phòng, chống doping trong thể thao mà nhà quản lý ngành của Việt Nam đang thực hiện. Dẫu vậy, đại diện Tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA bày tỏ thực tế rằng phía Việt Nam cần tiếp tục tăng số lượng mẫu kiểm tra doping định kỳ, đồng thời đẩy mạnh hơn công tác giáo dục truyền thông tới nhiều VĐV, HLV.

Hiện với ngân sách được cấp theo định mức cụ thể hàng năm, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống doping để thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra doing là Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam chỉ thực hiện lấy số lượng mẫu vừa đủ trên kinh phí có. Nhà quản lý luôn bày tỏ mong muốn được lấy nhiều hơn số mẫu nhằm đảm bảo kiểm tra định kỳ. Dù thế, khó khăn lớn là tiền được cấp không nhiều.

Năm 2024, kế hoạch thực hiện của Trung tâm Y doping và Y học thể thao Việt Nam là lấy tổng khoảng 90 mẫu thử kiểm tra doping định kỳ. Trong đó có khoảng 75 mẫu lấy bằng hình thức mẫu thử nước tiểu. “Ngoài ra, chúng tôi còn lấy mẫu kiểm tra cho VĐV đăng ký thường niên để kiểm tra”, đại diện Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam từng trao đổi. Trước khi dự Olympic Paris (Pháp) 2024, 16 tuyển thủ của thể thao Việt Nam đã được lấy mẫu kiểm tra doping (tối thiểu mỗi người/lần).

Theo quy trình, sau khi lấy mẫu thử, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam sẽ gởi tới phòng xét nghiệm gần nhất đạt tiêu chuẩn của WADA và cũng là phòng xét nghiệm trúng thầu theo quy định về ký kết với Việt Nam. Thường, các mẫu được chúng ta gởi tới phòng kiểm tra tại Thái Lan hoặc Trung Quốc. Khẳng định trong cuộc làm việc với đại diện Tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam tin rằng việc tăng cường thêm số lượng mẫu kiểm tra doping sẽ được tính toán và thực hiện đúng theo các quy định.

Bao nhiêu giải đấu quốc gia tổ chức lấy mẫu kiểm tra

Năm 2024, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam lên kế hoạch thực hiện việc truyền thông phòng, chống doping trực tiếp tại 15 giải đấu thể thao trong nước của các Liên đoàn, Hiệp hội tổ chức. Thực tế ghi nhận, tại một số giải vô địch quốc gia, cán bộ Trung tâm này có mặt và lấy mẫu kiểm tra doping đối với VĐV. Năm 2023, công tác này cũng thực hiện.

doping 1111.jpg
Việc giáo dục các VĐV và đưa thông tin tuyên truyền về phòng, chống doping đang được Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam tích cực thực hiện. Ảnh: VADC

Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam là đơn vị làm việc độc lập do vậy luôn giữ kín và đảm bảo thông tin về quá trình lấy mẫu kiểm tra doping cũng như số lượng (do mình giữ), không thông báo chi tiết tới từng Ban tổ chức mỗi giải đấu. Qua tìm hiểu, việc lấy mẫu kiểm tra doping tại giải bóng đá vô địch quốc gia V.League là chưa thực hiện. Một số môn thể thao trọng điểm là có tiến hành (trong đó có điền kinh, bơi).

Hiện lúc này, việc dính doping của VĐV thể thao có thể từ nhiều nguyên nhân. Tháng 3-2024, Cục TDTT đã tổ chức hội thảo khoa học mang chủ đề “Vai trò của thực phẩm bổ sung trong nâng cao thành tích và phòng chống doping cho VĐV thành tích cao”. Tại đó, con số được nhà quản lý đưa ra là từ năm 2003 đến nay, thể thao Việt Nam có 48 trường hợp VĐV dính doping. Sự vụ được quan tâm nhất là 5 trường hợp VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam dính doping khi thi đấu SEA Games 31 (tháng 5-2022) tại Việt Nam. Mới nhất, chúng ta có trường hợp tuyển thủ aerobic Trần Hà Vi dính doping vào năm 2023 tại giải vô địch châu Á.

Ngoài công tác giáo dục VĐV, việc kiểm tra định kỳ theo quy định thì yếu tố tài chính, phương tiện trang thiết bị đầy đủ thực hiện các chương trình dành cho phòng, chống doping vẫn là điều cần nhất cho công tác trên.

Tin cùng chuyên mục