Quả bóng vàng nữ 2024 Trần Thị Thùy Trang: Nữ chiến binh bền bỉ

Không còn là một tài năng trẻ, cũng chẳng phải cái tên xu hướng truyền thông, nhưng “người không phổi” Trần Thị Thùy Trang lại là tấm gương của sự bền bỉ, dù chơi bóng trên sân cỏ hay sân futsal. Nếm đủ bao thử thách, song nữ cầu thủ vẫn như hoa hướng dương hướng về phía mặt trời, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp: thể thao là không bỏ cuộc!

Cánh chim không mỏi

Cả khán phòng Nhà hát Bến Thành (TPHCM) như vỡ òa, cùng những tràng pháo tay tán thưởng vang lên khi cái tên Trần Thị Thùy Trang (TPHCM I) được xướng lên với danh hiệu Quả bóng vàng nữ tại gala trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2024 vào đêm 26-2. Nhiều người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục về một chiến thắng của nghị lực phi thường. Đó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực bền bỉ của nữ cầu thủ được xem là dị biệt, “độc nhất vô nhị” trong làng bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm.

CN6 bai.jpg
Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trần Thị Thùy Trang có những phút giây trải lòng sau khi nhận danh hiệu cao quý: “Tôi đã từng ngồi ở dưới khán đài ủng hộ đồng đội nhận Quả bóng vàng và luôn ước ao bản thân cũng được nhận giải thưởng này. May mắn giờ tôi đã làm được điều đó. Tôi đang ở độ tuổi (37 tuổi) mà nhiều người đều nghĩ có thể giải nghệ hoặc chuyển đổi công tác khác. Nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn đủ sức khỏe, đủ may mắn, quan trọng là luôn có sự động viên và hỗ trợ rất lớn từ ban huấn luyện, gia đình và các đồng đội để tôi có được thành quả như ngày hôm nay. Giải thưởng sẽ là động lực thúc đẩy tôi cố gắng hơn nữa trong tương lai”.

Trong màu áo CLB nữ TPHCM, Thuỳ Trang là thủ lĩnh tuyến giữa, đảm nhận nhiệm vụ kết nối lối chơi và cũng là đội trưởng, trụ cột tinh thần để đàn em noi theo. Trên sân và ngoài sân là hình ảnh rất đối lập của Thùy Trang, giữa sự máu lửa trên sân bóng và sự vui vẻ, hòa đồng ở ngoài sân.

Còn nhớ trước thềm mùa giải 2024 khởi tranh, CLB nữ TPHCM I phải nói lời chia tay với nhiều trụ cột, trong khi tiền đạo Huỳnh Như vẫn còn thi đấu ở trời Âu và chưa có gì đảm bảo cô trở lại đội bóng thành phố mang tên Bác ở giai đoạn lượt về. HLV Đoàn Thị Kim Chi đối diện với hàng loạt khó khăn chưa từng có. Lúc này tấm băng đội trưởng tiếp tục được giao cho Trần Thị Thùy Trang. Bản lĩnh và đẳng cấp của người đàn chị đã trở thành điểm tựa vững chãi đối với lớp cầu thủ trẻ CLB nữ TPHCM I để cùng nhau vượt qua khó khăn. Để rồi ở mùa 2024, CLB nữ TPHCM I một lần nữa bước lên bục cao nhất, thậm chí với thành tích ấn tượng vô địch trước 1 vòng đấu.

Ở tuổi 37, Trần Thị Thùy Trang được xếp vào hàng ngũ cầu thủ lớn tuổi giành Quả bóng vàng, từ đó đã tạo nên nhiều câu chuyện đẹp về nghị lực phi thường cho làng thể thao nước nhà. Không như nhiều đồng đội, Thùy Trang chỉ toàn tâm đến với bóng đá khi đã 22 tuổi, cái tuổi được xem là trễ để bắt đầu cho con đường cầu thủ chuyên nghiệp. Do đó, cô đã phải đối mặt với nhiều thách thức để tìm được chỗ đứng trong đội hình CLB nữ TPHCM và sau đó là đội tuyển Việt Nam. Biết hình thể nhỏ con, Thùy Trang luôn siêng năng tập luyện. Cô luôn là người tập nhiều nhất, đến sớm nhất và về muộn nhất, luôn tự rèn luyện, khắc phục các điểm yếu của bản thân.

Thi đấu cho đội tuyển futsal TPHCM từ năm 2010 rồi được gọi vào đội tuyển Việt Nam. Đến năm 2014, Thùy Trang lại chuyển qua bóng đá sân cỏ và dù ở đâu, cô vẫn luôn là cầu thủ trụ cột. Trang chạy liên tục, di chuyển khắp sân, đeo bám quyết liệt, không cho đối thủ có không gian hoạt động. Bởi thế mà giới mộ điệu thường gắn Thùy Trang với loạt biệt danh: “dị nhân”, “quái kiệt sân bóng”, “kỳ hoa dị thảo của làng bóng Việt Nam”, “người không phổi”…

Cho đến bây giờ, những người làm công tác chuyên môn hay giới mộ điệu vẫn chưa lý giải được vì sao cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn lại có thể hòa nhập tốt ở 2 thể loại bóng đá khác biệt, từ sân cỏ 11 người đến sân futsal? Không chỉ thích ứng tốt, Trang còn phối hợp nhịp nhàng cùng đồng đội để tạo nên hàng loạt thành tích ấn tượng: cùng CLB TPHCM vô địch quốc gia 2024 (lần thứ 6 liên tiếp), vào tứ kết AFC Champions League 2024, cùng đội tuyển futsal Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2024 (ngay trong lần đầu giải được tổ chức) - trở thành cầu thủ đầu tiên vô địch Đông Nam Á từ sân cỏ 11 người (năm 2019) đến sân trong nhà (5 người)...

Câu chuyện truyền cảm hứng

Không như các đồng nghiệp nam, thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ có phần bấp bênh hơn, do đó có thời điểm Thùy Trang phải làm thêm trọng tài ở các giải phong trào. Bên cạnh đó, cô từng gặp chấn thương nặng ở vai và phải gắn 6 ốc vít để cố định xương. Cuộc sống gia đình cũng có thời điểm trải qua biến cố lớn khi mẹ cô bị ung thư dạ dày năm 2017 và một năm sau bố bị tai biến. Thùy Trang có lúc tính nghỉ bóng đá, nhưng rồi vẫn tiếp tục để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Câu chuyện về tiền vệ sinh năm 1988 miệt mài thi đấu ở độ tuổi được coi là “xế chiều” để kiếm tiền chữa bệnh cho cha mẹ gây xúc động mạnh. Đó cũng là lý do không ít người xem xúc động khi chứng kiến giây phút Thùy Trang nghẹn ngào nói cảm ơn với bậc sinh thành đang ngồi trên hàng ghế khán giả ở Nhà hát Bến Thành tại gala Quả bóng vàng Việt Nam 2024.

Trần Thị Thùy Trang là một biểu tượng của ý chí và đam mê. Ở tuổi mà nhiều đồng đội đã “treo giày” hoặc dần lùi vào hậu trường, cô vẫn thi đấu với khát khao cháy bỏng. Hành trình của cô không chỉ là câu chuyện về bóng đá, mà còn là biểu tượng cho ý chí và lòng quyết tâm của người phụ nữ Việt Nam. Giành Quả bóng vàng ở tuổi 37, Thùy Trang không chỉ khẳng định giá trị bản thân mà còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: thể thao là không bỏ cuộc. Và “hành trình của Thùy Trang vẫn chưa dừng lại”, giới mộ điệu đều tin điều này. Một tấm gương sáng cho các nữ cầu thủ mong muốn theo con đường chuyên nghiệp.

Thùy Trang bộc bạch: “Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình, phát huy hết khả năng của bản thân trong từng trận đấu. Thời gian đầu đá bóng, kỹ thuật của tôi chưa thật sự tốt, nhưng tôi cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân để cải thiện hơn từng ngày. Hãy nỗ lực hết sức mình, cống hiến hết sức mình, đừng để khi nhìn lại khoảng thời gian đã qua khiến bản thân phải hối tiếc vì những điều chưa làm được”.

Tin cùng chuyên mục