Premier League làm “mất lòng” cổ động viên châu Á?

Mùa hè này, Arsenal sẽ đến Singapore để đấu với Newcastle và AC Milan, rồi sang Hồng Công (Trung Quốc) chuẩn bị cho trận derby Bắc London với Tottenham. Liverpool ghé thăm Nhật Bản và Hồng Công chỉ vài tuần sau khi Man.United kết thúc chuyến du đấu hậu mùa giải tại Malaysia.

Tạo doanh thu vẫn là mục tiêu chính. Châu Á có hàng triệu người hâm mộ muốn xem đội bóng yêu thích, và nếu là người hâm mộ ở các quốc gia giàu có hơn như Singapore hay Hồng Công, các CLB sẵn sàng đáp ứng.

Chỉ trích các trận giao hữu này thì dễ, nhưng khó hơn là thức khuya cuối tuần này qua cuối tuần khác, mùa này qua mùa khác để xem bóng đá. Sawita Chuasukontip, một cổ động viên (CĐV) của CLB Arsenal ở Thái Lan, chia sẻ: Những cơ hội này không thường xuyên đến. Có sự hào hứng thực sự khi mọi người mong chờ đội bóng yêu thích đến châu Á, từ lúc công bố chuyến đi đến khi bán vé. Nhiều CĐV không thể sang châu Âu xem trận đấu. Vì thế, chuyến thăm của các CLB rất ý nghĩa, mang đến cơ hội trải nghiệm được xem đội bóng yêu thích mà không phải đi xa. Người hâm mộ Malaysia cũng cảm nhận tương tự khi Man.United đến vào tháng 5.

“Hầu hết chúng tôi không đủ khả năng bay khắp thế giới để xem trực tiếp, và người hâm mộ thực sự thích thú”, Aysha Ridzuan, một CĐV và tư vấn viên truyền thông thể thao tại Kuala Lumpur, cho biết.

Premier League ở châu Á đã trở thành một hiện tượng văn hóa, thu hút hàng triệu người từ Tokyo đến Jakarta. Đến năm 2025, Premier League ở châu Á đạt hơn 1 tỷ lượt xem mỗi năm, riêng Trung Quốc có khoảng 300 triệu người hâm mộ. Thành công của Premier League ở châu Á không phải ngẫu nhiên mà nhờ nỗ lực tiếp thị. Các chuyến du đấu trước mùa giải, như chuyến đi châu Á của Arsenal vào năm 2024, thu hút đông đảo khán giả ở Nhật Bản và Thái Lan. Tương tác số là chìa khóa.

Các CLB như Man.City và Chelsea tạo nội dung bản địa hóa, gồm bài đăng bằng tiếng Quan thoại và Hindi. Năm 2025, hơn 60% số CLB Anh có tài khoản riêng cho châu Á trên Weibo và JioCinema, tiếp cận hàng triệu người. Các hội CĐV ở Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc tổ chức tiệc xem bóng, xây dựng cộng đồng. Các sự kiện như EPL Fan Fest ở Singapore thu hút hàng ngàn người, kết hợp bóng đá và giải trí. Về kinh tế, Premier League tác động rất lớn. Bản quyền truyền thông ở châu Á mang về 1,8 tỷ USD vào năm 2024, với doanh thu hàng hóa thêm 500 triệu USD.

Các CLB như Liverpool hợp tác với các thương hiệu châu Á, như Asahi của Nhật, để thắt chặt mối quan hệ. Với 5G cùng công nghệ phát trực tuyến, lượt xem dự kiến đạt 1,5 tỷ vào năm 2030. Thỏa thuận phát sóng, như hợp đồng 450 triệu bảng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2025-2030, đảm bảo các trận đấu có mặt trên DAZN và Star Sports.

Tuy nhiên, những chuyến du đấu cần thay đổi cách tiếp cận. Xu hướng hiện nay là các CLB lớn của châu Âu đối đầu nhau trên đất châu Á. Điều này có thể khiến giá vé cao hơn, nhưng người hâm mộ muốn trải nghiệm chân thực nhất có thể.

“Tôi muốn họ tận dụng tối đa chuyến du đấu, như tiếp cận những CĐV thiệt thòi, như trẻ em ở vùng sâu vùng xa hay những người có nguồn lực tài chính hạn chế. Điều này không chỉ giúp tăng cường kết nối với người hâm mộ mà còn khuyến khích thêm fan châu Á sang châu Âu xem trực tiếp. Quan trọng hơn, nó cho thấy sự cam kết và quan tâm của CLB với người hâm mộ, dù ở xa”, Jittakorn Srikhamkhrua, một CĐV Liverpool ở Thái Lan, bày tỏ.

Các CLB nên nỗ lực duy trì cam kết đó liên tục. “Người hâm mộ châu Á muốn tương tác 24/7, 365 ngày với CLB yêu thích, và việc chỉ đến một quốc gia 4 năm một lần là không đủ”, Simon Chadwick, giáo sư thể thao Âu - Á tại Trường Emlyon Business ở Paris (Pháp), nhận xét.

Tin cùng chuyên mục