Những nhà vô địch đặc biệt
Để nhận được tấm vé thông hành đến với ngày hội Olympic, các VĐV tị nạn đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu để giành lấy lại sự sống. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê mãnh liệt với thể thao.
Nữ VĐV Yusra Mardini từng đứng nhất tại vòng loại 100m nội dung bơi bướm tại Olympic Rio de Janeiro 2016, nhưng kết quả vẫn không đủ giúp cô lọt vào phần thi chung kết. Tuy nhiên, thành tích có thể khác nếu biến cố không ập đến cô và gia đình. Mardini là “sao mai” của đội tuyển bơi Syria khi ở tuổi 14, cô đã tham dự Giải vô địch bơi thế giới. Dù vậy, chiến tranh tại quốc gia này đã làm gián đoạn giấc mơ được trở thành siêu kỳ ngư của cô.
Mardini và gia đình đã chọn nước Đức để chạy trốn chiến tranh. Cô gái xinh xắn này từng đấu tranh với sinh tử sau khi thuyền chở người tị nạn bị lật trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. An toàn đến Berlin, Mardini tiếp tục duy trì sở thích bơi lội, nhưng việc không có quốc tịch Đức trở thành rào cản khiến cô chưa thể nối lại việc được tham dự các giải đấu.
Con đường bén duyên với điền kinh, đến với Olympic của Lokoro đầy tình cờ sau khi anh được khuyến khích tham gia cuộc thi marathon xây dựng hòa bình do cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức tại Kenya vào năm 2015. Nhận thấy được tố chất, Lokoro và cả Mardini đã được “quy hoạch” cho dự một án lớn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Dưới sự giúp đỡ của LHQ và hỗ trợ từ phía IOC, Mardini, Lokoro và 8 VĐV khách thuộc EOR đã có lời chào đầy ấn tượng tại Olympic Rio de Janeiro 2016, dù cả đoàn không đoạt tấm huy chương nào. Sau khi gây tiếng vang, EOR tiếp tục được IOC “đài thọ” bằng quỹ học bổng đào tạo tập luyện tại Doha (Qatar) cho 29 VĐV khác đến từ 5 quốc gia nhằm hướng đến Olympic Tokyo 2020.
Có 6 VĐV, trong đó có Mardini và Lokoro từng tham dự Olympic 2016 tiếp tục được trao gửi niềm tin cùng 23 VĐV tị nạn khác đại diện cho thế giới tham dự 12 môn tại Olympic Tokyo 2020. Tại xứ Mặt trời mọc, đoàn VĐV tị nạn tiếp tục diễu hành dưới lá cờ Olympic, đi sau Đoàn thể thao Hy Lạp.
Với 29 VĐV thuộc EOR, dù thành tích thi đấu có thế nào thì việc đánh bại được số phận để có mặt tại Olympic Toko 2020 đã là chiến công vĩ đại, một chiến thắng sẽ được khắc trên vị trí trang trọng nhất trong lịch sử Olympic. Còn với tất cả, những thành viên đặc biệt đi diễu hành dưới lá cờ Olympic vào tối 23-7 trên SVĐ Tokyo tới đều là... nhà vô địch.
Những sứ giả mang thông điệp hòa bình
Người tị nạn - theo định nghĩa của LHQ là “người bị buộc phải rời khỏi đất nước của mình vì bị ngược đãi, chiến tranh hoặc bạo lực”. Vì thế, VĐV tị nạn đại diện cho hòa bình, cho những người đã mất đi gia đình, nhà cửa, phải sống lang thang tại các quốc gia... Sự hiện diện của EOR - bắt đầu từ Olympic Rio 2016, cho đến các sự kiện và giải đấu thể thao lớn sau này để phát đi thông điệp về quyền tự do, yêu thương, khao khát được sống... Những VĐV đặc biệt này là biểu tượng cho sức mạnh của ý chí nghị lực, sự hòa nhập và lòng nhân đạo.
Còn Sheikh Al Thani - Chủ tịch Ủy ban Olympic Qatar (QOC), đơn vị đã tạo mọi điều kiện tập luyện cho EOR - khẳng định: “Chúng tôi rất vinh dự khi có cơ hội đóng góp một phần nhỏ vào hành trình đầy cảm hứng của các VĐV tị nạn. Màn trình diễn của họ sẽ không chỉ truyền cảm hứng cho hàng tỉ người mà còn nâng cao nhận thức về quy mô của cuộc khủng hoảng tị nạn toàn cầu”.
Sống trong hoàn cảnh “nay đây mai đó”, người tị nạn không có nhiều cơ hội để góp mặt tại các sự kiện, giải đấu thể thao. Vì thế, tham dự Olympic - bên cạnh thoải mãn với niềm đam mê được chơi thể thao thành tích cao, đó còn là cơ hội để họ có thể “đổi đời”, hay kêu gọi và nhận sự trợ giúp từ những tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các VĐV tị nạn là một đội mang đậm tính nhân văn cần được sự động viên, cổ vũ từ mọi người.
Đây là điều thực sự có ý nghĩa đối với họ, đồng thời hành động đáng biểu dương của IOC trong việc đưa Olympic đến gần hơn với quốc kém phát triển, hoặc chiến tranh, xung đột. Vượt qua ý nghĩa của một đại hội thể thao, Olympic là một thế giới khẳng định về sự hòa bình và tốt đẹp, nơi có sự hiểu biết lẫn nhau, tinh thần hữu nghị, đoàn kết và công bằng.
Tạo công ăn việc làm cho các VĐV tị nạn Kế hoạch giúp đỡ các VĐV tị nạn sau Olympic Tokyo 2020 sẽ tiếp tục được IOC duy trì thông qua chương trình “Đoàn kết Olympic”, mà cụ thể hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. VĐV được cấp quyền truy cập vào các tài liệu giáo dục trên Athlete365, cho phép tìm hiểu về các chủ đề liên quan chống doping, thể thao an toàn và phòng chống thao túng trong thi đấu. Sau khi bổ sung các kiến thức chuyên môn, VĐV sẽ được Airbnb - đơn vị hợp tác của IOC tạo cơ hội kiếm tiền bằng cách chia sẻ trực tuyến về những kỹ năng và niềm đam mê thể thao của họ với thế giới. Đó là các bài học truyền cảm hứng, năng lượng về khả năng phục hồi, đến các lớp tập luyện và tự vệ mà chính VĐV tị nạn từng trải qua trong cuộc sống. |