> Thể thao Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào?
Không thể cầu may
Chuyên gia thể thao, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic năm 2004 – ông Nguyễn Hồng Minh từng trao đổi: “Olympic là nơi hội tụ những HLV, VĐV xuất chúng nhất và tất cả các nền thể thao đều tham dự với con người tốt nhất. Từ việc phải nỗ lực thi đấu các giải vòng loại thì VĐV mới có cơ hội đạt suất dự Olympic rồi nhiều nền thể thao mạnh còn tổ chức thi đấu nội bộ để tìm người có năng lực tốt nhất cử đi Olympic, những điều đó cho thấy không quốc gia nào xem nhẹ việc thi đấu Olympic và mục tiêu luôn là giành kết quả cao nhất. Thể thao Việt Nam đã có huy chương trong một số kỳ Olympic nhưng nếu chúng ta không tập trung đầu tư trọng điểm, dàn trải nhiều thì rất khó có những bứt phá tại Olympic”.
Tính 3 kỳ Olympic gần nhất trước khi Olympic Paris (Pháp) 2024 diễn ra, chúng ta có những sự chuẩn bị để tìm cơ hội đạt huy chương.
Năm 2012 tại London (Anh), mục tiêu của thể thao Việt Nam cụ thể là giành huy chương ở môn cử tạ. Lúc đó, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London (Anh) 2012 – ông Lâm Quang Thành từng khẳng định chúng ta dồn toàn lực cho cử tạ và có dự báo chuyên môn để sát nhất về cơ hội tranh chấp tại hạng 56kg nam. Chúng ta không giành được huy chương khi thi đấu chính thức lúc đó. Sau 9 năm (năm 2021), cử tạ Việt Nam đã được trao lại HCĐ cho lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn với thành tích ở Olympic London (Anh) 2012 do đã được đôn vị trí vì có tuyển thủ dính doping bị tước thành tích. Năm 2016, thể thao Việt Nam cũng đặt mục tiêu là giành huy chương ở 2 môn bắn súng, cử tạ. Chúng ta đạt thành công với 1 HCV, 1 HCB trong bắn súng để làm nên lịch sử tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016. Năm 2021, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương trong môn cử tạ nhưng chúng ta đã thất bại tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 dù đã có những phân tích cho rằng kết quả ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, đặc biệt là sự chuẩn bị trong giai đoạn gặp dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, thi đấu Olympic sẽ khó chờ vào may mắn để có huy chương. “Áp dụng khoa học kỹ thuật và công tác huấn luyện thể thao là điều chúng ta đang hướng đến. Các chương trình huấn luyện tập trung cũng là bài toán đang được xây dựng để thể thao Việt Nam có một Đề án đầu tư cho các môn trọng điểm ASIAD, Olympic”, Cục trưởng Cục TDTT đồng thời là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam – ông Đặng Hà Việt từng phân tích.
Tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, Việt Nam không giành được huy chương. Toàn nền thể thao Đông Nam Á đã đạt tổng 3 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ với kết quả từ các VĐV của Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Bao nhiêu nhà vô địch SEA Games đủ cơ hội
Chúng ta dự Olympic Paris (Pháp) 2024 với 16 tuyển thủ thì có các nhà vô địch SEA Games 32 là Hoàng Thị Tình (judo), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Hà Thị Linh (boxing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Hương (canoeing). Thái Lan có các nhà vô địch SEA Games 32 ở môn boxing, taekwondo, điền kinh, cầu lông, boxing, cử tạ sẽ tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024.
Thể thao Indonesia sẽ có các tuyển thủ từng giành HCV SEA Games 32 tới Olympic Paris (Pháp) 2024 ở các môn điền kinh, cầu lông, cử tạ. Philippines có các nhà vô địch SEA Games 32 đi tranh tài Olympic lần này trong môn điền kinh, boxing, TDDC, cử tạ trong khi thể thao Singapore có VĐV điền kinh, bóng bàn, bơi từng đạt HCV SEA Games 32 và thi đấu tại Pháp lần này.
Trong những nhà vô địch SEA Games 32 của thể thao Đông Nam Á, rất ít người có đẳng cấp vượt trội ở thế giới. Giới chuyên môn nhận định, chỉ số ít gương mặt được các đối thủ phải dè chừng trong lần thi đấu Olympic Paris (Pháp) 2024 này như Panipak Wongpattanakit (taekwondo, Thái Lan), Carlos Yulo (TDDC, Philippines), Apriyani Rahayu (cầu lông, Indonesia), Nesthy Petecio (boxing, Philippines)...
Olympic Paris (Pháp) 2024 sẽ khai mạc vào ngày 26-7.