Nỗ lực vươn tầm của thể thao châu Á

Khái niệm “quyền lực châu Á” đã không còn xa lạ với nền thể thao toàn cầu. Lục địa đông dân nhất thế giới vừa đăng cai 3 kỳ thế vận hội (Olympic): Pyeongchang, Hàn Quốc (Thế vận hội mùa đông 2018); Tokyo, Nhật Bản (Thế vận hội mùa hè 2020) và Bắc Kinh, Trung Quốc (Thế vận hội mùa đông 2022) - đánh dấu một chương mới trong lịch sử Olympic.

Từ sự trỗi dậy của “quyền lực mềm”

Khái niệm đang được xem là phổ biến này vốn đã được các quốc gia châu Á khởi đầu, từ Nhật Bản vào năm 1964 (Thế vận hội mùa hè ở Tokyo). Chưa đầy 20 năm sau những hoang tàn trong Thế chiến II, người Nhật đã cho thế giới thấy được sức sống mãnh liệt của mình.

CN6 Anh2-bai 1.jpg
Các tuyển thủ Trung Quốc tỏa sáng ở “sân khấu” Olympic Paris 2024

Năm 1988, đến lượt Seoul - Hàn Quốc đăng cai, giới thiệu cho thế giới diện mạo của một con rồng châu Á mới. 20 năm sau, là Bắc Kinh 2008 diễn ra ở quốc gia tỷ dân Trung Quốc, cũng là khởi đầu của nền kinh tế nay đã đứng thứ 2 thế giới.

Như vậy, trong hơn 40 năm (1964-2008), châu Á chỉ mới tổ chức 3 kỳ Thế vận hội mùa hè và 2 kỳ mùa đông, như đã biết, trong giai đoạn 2018-2022, lục địa vàng đăng cai đến 3 sự kiện tương tự, đó là chưa kể 2 kỳ World Cup cũng được diễn ra. Thể thao châu Á đã hoàn toàn làm bất ngờ cả thế giới.

Theo Christopher Finlay, trợ lý giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Loyola Marymount, châu Á - với dân số đông và công nghệ ngày càng phát triển - mang đến cho Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) những cơ hội mới hấp dẫn: “Đối với IOC, khán giả là nguồn tiền của họ.

Châu Á cung cấp đầy đủ những gì mà IOC cần, từ khâu tổ chức đến mối quan hệ thương mại. Việc IOC hướng tới châu Á là kết quả của sự quan tâm ngày càng giảm đối với châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, nơi có truyền thống tạo ra lượng lớn người theo dõi Thế vận hội”.

Dù cốt lõi của Thế vận hội là ở châu Âu, nơi có trụ sở của IOC đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ và chủ yếu do người châu Âu điều hành, nhưng yếu tố toàn cầu lại đến từ nguồn lực mà châu Á cung cấp.

Ryan Hass, nghiên cứu viên về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings ở Washington, D.C., cho biết: “Tôi nghĩ rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, mỗi nước sẽ tìm cách thể hiện sự năng động và vai trò quan trọng của mình trong khu vực và toàn cầu theo cách riêng của mình. Họ được coi là những quốc gia quan trọng trong hệ thống quốc tế và Thế vận hội mang đến cơ hội để làm điều đó”.

Đến việc định hình thay đổi cho Olympic

Ngoài điền kinh, môn thể thao phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cơ địa, di truyền, thì thể thao châu Á đang dần vươn lên thống trị một loạt môn mang tính “cốt lõi” của Thế vận hội để qua đó, tấn công vào tốp 10 của bảng xếp hạng huy chương, thực sự chia sẻ quyền lực đối với những cường quốc thể thao thế giới.

Trung Quốc đang là đối trọng cho ngôi số 1 mà Mỹ vẫn thường xuyên nắm giữ, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng “lấn lướt” Anh, Pháp, Australia trong nhóm kế tiếp. Ở khu vực giữa bảng xếp hạng, những đại diện đến từ Trung Á và Đông Nam Á đang dần thay thế vị trí của châu Phi và Đông Âu.

Châu Á đang chiếm 30% tốp 10 và chiếm 20% tổng số các đoàn có ít nhất 1 huy chương vàng.

Châu Á đã thực sự nổi lên như những nhà lãnh đạo thế giới về thể thao tại Olympic Paris 2024 ở Pháp, nơi một số vận động viên ra mắt từ khắp châu Á đã giành chiến thắng trong các sự kiện mà người châu Âu và Mỹ được biết đến là thống trị. Thế vận hội 2024 đã sản sinh ra nhiều nhà vô địch và kỷ lục trẻ đến từ châu Á, những người giờ đây sẽ là nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.

Có thể lấy ví dụ từ 2 chiếc HCV của nam VĐV Yulo đến từ Philippines ở môn thể dục, chiếc HCV lần thứ 2 liên tiếp ở môn ném lao của VĐV Ấn Độ, hay thế mạnh đặc biệt ở các môn võ thuật của quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Uzbekistan… Những chiến thắng này là minh chứng cho việc họ theo đuổi sự xuất sắc, hàng giờ cống hiến cho kỷ luật, chế độ tập luyện nghiêm ngặt, vượt qua những thử thách về thể chất và tinh thần để đứng trên bục vinh quang, đăng quang người giỏi nhất thế giới.

Không chỉ chia sẻ quyền lực, mà thể thao châu Á còn tiên phong định hình cấu trúc của Thế vận hội với sự thống trị ở hàng loạt môn mới, hiện đại. Tại Olympic Paris 2024, các VĐV châu Á tranh huy chương vàng ở các môn breaking, leo núi tốc độ và trượt ván đường phố. Trong những môn này, không chỉ có các VĐV đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc mà còn có Thái Lan (trượt ván) hay Afghanistan (breaking). Họ đều là những người từng vô địch thế giới ở các môn thi này.

Năm 2008, Trung Quốc là quốc gia châu Á thứ ba từng đăng cai Thế vận hội. Trước đó là Nhật Bản (1964, 2020) và Hàn Quốc (1988).

Nhật Bản đã giành huy chương vàng Thế vận hội đầu tiên của châu Á tại Amsterdam năm 1928, với chiến thắng ở nội dung 200m bơi ếch và nhảy ba bước.

Một số quốc gia châu Á như Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia,Đông Timor (quốc gia trẻ nhất châu Á, lần đầu tiên thi đấu tại Athens 2004), Lào, Maldives, Myanmar và Nepal - chưa từng giành được huy chương Olympic nào.

Tin cùng chuyên mục