Những sự kiện đáng nhớ thể thao Việt Nam sau ngày thống nhất

Thể thao Việt Nam có nhiều sự kiện đáng ghi nhận sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 để phát triển và mang lại những kết quả tự hào.

Giải điền kinh toàn quốc lần thứ nhất đã tổ chức năm 1976 tại Hà Nội. Ảnh: TRUNG HINH
Giải điền kinh toàn quốc lần thứ nhất đã tổ chức năm 1976 tại Hà Nội. Ảnh: TRUNG HINH

1 Trận bóng đá đầu tiên giữa 2 miền Nam, Bắc

Lịch sử thể thao ghi nhận trận đấu đầu tiên sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 có sự góp mặt của cầu thủ 2 miền Nam, Bắc là trận giao hữu giữa đội Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn vào ngày 7-11-1976. Trận đấu đã diễn ra trên sân vận động Thống Nhất (TPHCM). Kết thúc trận đấu, đội Tổng cục Đường sắt thắng 2-0. Đây là trận bóng đá chính thức đầu tiên được diễn ra trong niềm hân hoan của người hâm mộ thể thao cả nước khi đất nước đã thống nhất.

2 Giải điền kinh toàn quốc đầu tiên

Giải đấu đã diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) đồng thời đánh dấu là Giải điền kinh toàn quốc lần thứ nhất, có sự góp mặt của VĐV tới từ miền Nam. Đoàn điền kinh miền Nam dự giải gồm 12 VĐV. Giải điền kinh toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra ngày 8 tới 10-10-1976.

3 Giải bóng bàn toàn quốc đầu tiên

Bóng bàn là 1 trong những môn thể thao được yêu thích của người hâm mộ thể thao khu vực phía Nam. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, giải bóng bàn toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 22 tới 26-3-1978 tại Quy Nhơn. Giải ghi nhận sự cổ vũ đông đảo người hâm mộ và khán đài nhà thi đấu đã chật kín người cổ vũ. Trong giải, trận chung kết đơn nam được xem là tâm điểm với cuộc tranh tài giữa 2 tay vợt nổi danh nhất Nguyễn Ngọc Phan (Đại học TDTT Từ Sơn) và Vương Chính Học (TPHCM). Trận đấu đã kết thúc với chiến thắng 3-1 dành cho tay vợt Nguyễn Ngọc Phan.

4 Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ nhất năm 1985

“Đây là kỳ Đại hội có nhiều giá trị không chỉ chuyên môn và còn giá trị tinh thần đối với các HLV, VĐV thể thao cả nước. Chúng tôi đã tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ nhất năm 1985 với những nỗ lực cao nhất và sân chơi này mang lại các cuộc thi đấu quyết liệt giữa VĐV mọi miền đất nước khi tranh tài”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh bày tỏ. Khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh là Trưởng ban chuyên môn, thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ nhất năm 1985. Đại hội thể thao toàn quốc lần đầu tiên này diễn ra từ ngày 22 tới 19-9-1985, ghi nhận 27 đơn vị tham dự (1.253 VĐV). Toàn Đại hội tranh tài 13 môn, có 19 kỷ lục quốc gia được phá, thiết lập trong các nội dung tranh tài. Đoàn thể thao TPHCM xếp nhất với 43 HCV, 39 HCB, 20 HCĐ.

the thao VN1.jpg
Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ nhất tổ chức năm 1985. Ảnh: TTXVN

5 Thể thao Việt Nam lần đầu dự Olympic

Sau ngày thống nhất, thể thao Việt Nam lần đầu dự đấu trường Olympic vào năm 1980 được diễn ra tại Liên Xô (cũ). Chúng ta đã có 35 VĐV tham dự và tranh tài ở 4 môn gồm điền kinh, bơi, bắn súng, vật, bơi.

6 Việt Nam là chủ nhà Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games)

Việt Nam đã là chủ nhà của 2 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) cùng diễn ra tại Hà Nội năm 2003 (SEA Games 22) và năm 2022 (SEA Games 31). Lần đầu tiên, chúng ta giành quyền đăng cai Đại hội vào năm 2003 qua đó ghi dấu sự mạnh mẽ của Việt Nam trên đấu trường thể thao khu vực. Sau 19 năm từ SEA Games 22-2003, Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công SEA Games 31. Trong 2 kỳ Đại hội trên, thể thao Việt Nam đều dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Ngoài SEA Games, thể thao Việt Nam đã là chủ nhà của Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009, Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016. Chúng ta từng giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 – ASIAD 18. Tuy nhiên, Việt Nam đã rút lui để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong tương lai.

7 Thể thao Việt Nam giành HCV Olympic

Thể thao Việt Nam đã giành tấm HCV đầu tiên tại đấu trường Olympic. Thành tích thuộc về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng tại kỳ Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016. Ở đấu trường này, Hoàng Xuân Vinh trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành 2 huy chương trong 1 kỳ Olympic (1 HCV, 1 HCB). Trước đó, nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân là người giành huy chương đầu tiên huy chương cho thể thao Việt Nam tại Olympic với tấm HCB môn taekwondo tại Olympic Sydney (Australia) 2000.

xuan vinh 1.jpg
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (giữa) là VĐV đạt thành tích tốt nhất tại Olympic cho thể thao Việt Nam từ trước tới nay. Ảnh: ĐOÀNTTVN

8 Tấm HCV đầu tiên tại đấu trường ASIAD

Võ sỹ taekwondo Trần Quang Hạ là tuyển thủ thể thao Việt Nam đầu tiên giành HCV tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD). Thành tích trên được ghi dấu tại ASIAD năm 1994 tổ chức ở Nhật Bản. Từ đó tới nay, thể thao Việt Nam đều giành HCV tại đấu trường này.

images361834_CN6e.jpg
Võ sỹ Trần Quang Hạ (phải) đã có HCV tại ASIAD năm 1994. Ảnh: TTVN

9 Việt Nam là chủ nhà Giải vô địch bóng đá châu Á

Việt Nam đã được Liên đoàn bóng đá châu Á trao quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup) năm 2007. Chúng ta là 1 trong 4 chủ nhà của giải đấu trên. Đây là lần đầu, Việt Nam tổ chức giải đấu quy mô ở cấp độ châu lục và chúng ta đã lọt vào tứ kết Asian Cup 2007.

anh vien 1.jpg
Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV xuất sắc nhất của Việt Nam trong các kỳ SEA Games. Ảnh: ĐOÀNTTVN

10 Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV trong 1 kỳ SEA Games

Chúng ta bắt đầu giành HCV đầu tiên tại SEA Games khi hội nhập trở lại với đấu trường thể thao quốc tế và khu vực vào năm 1989 (xạ thủ bắn súng Ngô Ngân Hà). Tuy nhiên, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử là VĐV Việt Nam đầu tiên giành được 8 HCV trong 1 kỳ SEA Games. Ánh Viên đã có kết quả trên tại SEA Games năm 2015 ở Singapore ở môn bơi. Đáng chú ý, 8/8 kết quả thi đấu của Ánh Viên được công nhận là kỷ lục của Đại hội.

Tin cùng chuyên mục