Mối họa tiềm tàng

Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phạt 4 CLB và 4 HLV vì thi đấu cũng như có chỉ đạo thi đấu không đúng khả năng tại vòng loại giải U19 quốc gia 2024-2025.

Đây là một hình thức trừng phạt dành cho các biểu hiện tiêu cực theo kiểu “dàn xếp tỷ số”, hay cụ thể hơn, là “bán độ”. Và thật đáng buồn khi nó xảy ra ở lứa tuổi U19 với sự chỉ đạo của HLV, trong đó có cả những cựu cầu thủ.

Nhưng sự việc còn tồi tệ hơn khi những đội bóng bị kỷ luật đều thuộc nhóm cấp thấp, tức là các đội hạng nhì, hạng ba - bán chuyên. Trong số 29 đội đăng ký dự vòng loại U19 quốc gia năm nay, có đến 19 đội mang phiên hiệu của các CLB chuyên nghiệp (V-League và hạng nhất), nghĩa là chỉ có 10 đội U19 đến từ các đội cấp thấp hoặc những trung tâm đào tạo trẻ. Như vậy, gần 50% các đội này “dính chàm”. Một con số đáng báo động.

Với những người có kinh nghiệm làm bóng đá phong trào, thì đây chỉ là “bề nổi của tảng băng”. “Vòi bạch tuộc” tiêu cực, cá cược tỷ số đã tấn công vào các giải bán chuyên và bóng đá trẻ của Việt Nam từ khá lâu. Năm 2021, phân nửa đội U21 Đồng Tháp đã bán độ ở trận đấu vòng loại giải U21 quốc gia. Ở giải U19 năm 2020, trận Bình Định - Đắk Lắk bị hủy kết quả vì phát hiện “dàn xếp tỷ số”. Tại giải hạng nhì 2023, thủ môn Nguyễn Văn Bá của Kiên Giang bị cấm thi đấu 2 năm vì cố tình thủng lưới. Đến giải hạng nhì năm 2024, đội Tây Nguyên Gia Lai bị cảnh cáo do thi đấu dưới sức ở nhiều trận…

Mỗi năm, VFF dù đã cố gắng hết sức thì vẫn chưa thể nâng được số lượng các trận đấu thuộc hệ thống cấp thấp (hạng nhì, hạng ba) hay các giải U. Mỗi giải như vậy cũng chưa quá 10 trận/năm và thi đấu gói gọn trong khoảng 1 tháng. Việc có quá ít trận đấu ở các cấp độ này là một phần nguyên nhân khiến cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội trải nghiệm, phát triển tài năng.

Tuy nhiên, để có được hệ thống giải như hiện nay, VFF cũng đã nỗ lực “vượt khó” khi mà nguồn tài chính không đủ, cần rất nhiều vào sự hỗ trợ của các đơn vị truyền thông hay địa phương đăng cai. Ấy thế nhưng vẫn có những đội bóng lợi dụng các giải đấu này, chỉ đá vài trận để thực hiện hành vi tiêu cực, không màng gì đến công sức của toàn xã hội đối với bóng đá trẻ.

Về nguyên tắc, việc dự các giải trẻ được khuyến khích với mọi CLB, từ chuyên nghiệp đến bán chuyên để phát triển bóng đá trẻ. Ở các giải trẻ hoặc hạng thấp, VFF thường gặp gỡ các đội và cầu thủ để trao đổi phòng ngừa tiêu cực. Liên đoàn cũng gửi công văn ở một số giai đoạn nước rút đề nghị các đội thi đấu hết mình.

Tuy nhiên, tiêu cực vẫn tồn tại, đây thực sự là mối hiểm họa tiềm tàng vì các hành vi tiêu cực có tính lây lan, rất dễ ảnh hưởng đến những cầu thủ trẻ đến từ các CLB chuyên nghiệp đang cùng thi đấu. Về lâu dài, sẽ tác động đến suy nghĩ của các phụ huynh khi cho con em mình học bóng đá. Hơn nữa, việc giám sát các giải đấu cấp thấp thường không chặt chẽ, trông đợi nhiều vào ý thức của các CLB, nhất là các HLV.

Tin cùng chuyên mục