
> Thể thao Việt Nam xác định nhiệm vụ giữ vững vị trí nhóm đầu tại SEA Games 33-2025
Đưa quan điểm của mình, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT) cho rằng: “Ai cũng hiểu rằng làm tốt bài toán kinh tế thể thao sẽ giúp lĩnh vực thế thao được phát triển hiệu quả khi có nhiều nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, trong từng mảng, chúng ta phải thấy được là làm kinh tế thể thao rất cần bài bản, chi tiết cũng như tiềm năng của thể thao mang lại sự phát triển kinh tế có lợi nhuận không nhỏ. Tôi từng được theo dõi nhiều nền thể thao mạnh của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản phát huy rất tốt lĩnh vực này khi họ xây dựng chiến lược, có con người chuyên môn thực hiện bài bản về kinh tế. Họ có những nhà kinh tế, doanh nhân với tư duy nhanh nhạy song hành cùng thể thao...”.
Ngày 28-12-2024, Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới đã được ban hành. Trong Quyết định trên, nội dung về nhiệm vụ và giải pháp đối với vấn đề huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đã ghi chi tiết 1 mục: “Phát triển thị trường, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, sản xuất trang, thiết bị, hàng hóa, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo và cung cấp các dịch vụ thể dục, thể thao”.
Qua trao đổi khi trò chuyện về vấn đề làm sao phát triển hiệu quả nhất kinh tế thể thao tại Việt Nam, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt không ít lần bày tỏ rằng việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta là thật sự cần thiết bởi thị trường thể thao ở Việt Nam có các cơ hội phát triển, tạo ra giá trị để mang lại nguồn thu lớn. Dẫu thế, vấn đề còn vướng mắc chính là các cơ chế chính sách chưa theo kịp sự phát triển và cần sửa đổi bổ sung phù hợp đối với lĩnh vực thể thao.
Ngành thể thao và nhiều đơn vị liên quan bắt tay vào làm thực tiễn khi tổ chức Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2023, 2024. Qua từng lần Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam diễn ra, nhà quản lý và những người có trách nhiệm chuyên môn cùng một số đại diện đơn vị đầu tư vào thể thao đã đưa không ít ý kiến dựa trên thực tiễn. Từng ý kiến được ghi nhận là 1 lát cắt nhỏ. Với chia sẻ ấy, người làm thể thao hiểu thêm sự chung tay kỳ vọng phát triển tốt nhất đối với mảng kinh tế thể thao rất cần bứt phá.
“Chúng ta luôn phải hiểu kỹ lưỡng nhất kinh tế thể thao là gì và những nội dung nào có thể phát triển, mang lại nguồn lực hay cụ thể là tiền, lợi nhuận cho thể thao. Đơn cử việc sản xuất trang thiết bị dụng cụ bán ra thi trường rồi thu lại lợi nhuận từ sức mua của người tiêu dùng là 1 cách làm về kinh tế thể thao. Hay việc tổ chức các sản phẩm dịch vụ đi cùng giải thể thao trong thời gian thi đấu hoặc bán bản quyền truyền hình để đạt lợi nhuận từ chính sản phẩm của mình nhằm tái đầu tư vào hoạt động thể thao cũng là cách làm kinh tế thể thao...”, Cục trưởng Đặng Hà Việt đã trao đổi.

16 nhiệm vụ cụ thể được đưa ra trong Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. 1 trong số đó được yêu cầu Bộ VH-TT-DL và các bộ liên quan phối hợp cùng cơ quan chủ trì (Bộ Tài chính) để thực hiện trong năm 2025 cùng các năm tiếp theo là: "Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa, ưu đãi, khuyến khích đầu tư, kinh doanh hoạt động thể thao, quy định về tài trợ thể thao”.
Do vậy, năm 2025 này sẽ là năm mà ngành thể thao có không ít công việc triển khai để tạo đà cho kinh tế thể thao tại Việt Nam có cơ hội bứt phá.