Học và làm bóng đá thật sự

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) vừa ký gia hạn hợp tác, nối dài thỏa thuận đã có giữa 2 nền bóng đá từ năm 2014 đến nay.

Học và làm bóng đá thật sự

10 năm hợp tác đã mang lại nhiều kết quả tích cực, như Nhật Bản tạo điều kiện cho mỗi năm có 3-5 đội tuyển bóng đá của Việt Nam sang Nhật tập huấn, thi đấu. Nhật Bản còn hỗ trợ chuyên gia làm huấn luyện viên, giám đốc kỹ thuật cho các đội tuyển quốc gia cũng như tham gia vào công tác tổ chức, điều hành V-League. Dù khởi đầu nhiều hứng khởi nhưng quá trình hợp tác này không kéo dài, gần như ít được nhắc đến từ năm 2017 đến nay, ngoài những lần phía Nhật Bản tài trợ các chuyến tập huấn cho đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển nam U23… Trong giai đoạn bóng đá Việt Nam thăng hoa cùng HLV Park Hang-seo, việc “học làm bóng đá” có vẻ không còn được lưu tâm nên trong bản đánh giá 10 năm hợp tác cũng không ghi nhận được nhiều cột mốc ở các lĩnh vực futsal, bóng đá cộng đồng, đào tạo trẻ, mô hình câu lạc bộ chuyên nghiệp mà bóng đá Việt Nam cần học hỏi.

Có thể thấy quá trình hợp tác 10 năm vẫn chưa đi vào chiều sâu, nhất là việc chúng ta chưa học hỏi được cách làm bóng đá thành công của Nhật Bản, cường quốc bóng đá số 1 châu Á trên nhiều phương diện. Một số mảng về phát triển bóng đá trẻ, đào tạo, thể thao học đường... chưa thực sự được triển khai theo mô hình hiện đại của Nhật Bản. Số lượng cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản chưa nhiều dù các giải đấu chuyên nghiệp tại Nhật Bản có chính sách ủng hộ cầu thủ Đông Nam Á.

Năm 2024, bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm tụt hạng liên tục, xuống hạng 116 - thứ hạng thấp nhất của đội tuyển Việt Nam từ tháng 11-2017. Có sự tiếp tục hợp tác từ JFA là một trợ lực rất tốt cho chúng ta vào lúc này. Căn cứ theo thỏa thuận hợp tác mới gia hạn giữa VFF và JFA, phía bạn sẵn sàng hỗ trợ chúng ta ở nhiều mảng, khá toàn diện và đều là những yếu tố mà bóng đá Nhật Bản rất mạnh, đi trước rất xa so với phần còn lại của châu Á. Tuy nhiên, để việc hợp tác này đi vào thực chất, quan trọng nhất vẫn là phải xác định được tương quan giữa 2 nền bóng đá, “biết người, biết ta” để từ đó học hỏi cách làm, tại sao phải làm và nên làm thế nào cho phù hợp.

Có những khía cạnh mà bóng đá Việt Nam muốn học cũng khó áp dụng được ngay do khoảng cách về trình độ giữa ta và bạn quá lớn. Ví dụ, không thể sao chép cách vận hành của J-League để áp dụng cho V-League do một số yếu tố đặc thù của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, có thể khai thác ngay sự giúp đỡ của JFA trong việc liên kết đào tạo trẻ, futsal, bóng đá nữ, bóng đá cộng đồng… hay thậm chí là chuyện tổ chức bài bản hoạt động chăm sóc người hâm mộ.

Hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội hợp tác lần này để học và làm thật sự, nhất là biết tận dụng những kinh nghiệm xây dựng phần gốc rễ trong đào tạo nguồn nhân lực của bóng đá Nhật Bản suốt hơn 30 năm qua. Làm tốt được việc “nên học những gì”, mới có khả năng tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm của các nền bóng đá lớn khác, không riêng gì Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục