Giải bóng chuyền quốc gia 2025: Ngoại binh chơi hay sẽ khiến bóng chuyền Việt Nam gặp khó tìm chủ công xuất sắc

Cầu thủ ngoại (ngoại binh) là một phần làm nên chất lượng giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 nhưng phần nào đó nó cũng tác động trực tiếp tới sự chọn con người cho đội tuyển bóng chuyền Việt Nam.

Chủ công Dương Văn Tiên (Sanest Khánh Hòa) là 1 trong số ít cầu thủ giữ được khả năng chuyên môn tốt trong vị trí của mình những năm gần đây. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ công Dương Văn Tiên (Sanest Khánh Hòa) là 1 trong số ít cầu thủ giữ được khả năng chuyên môn tốt trong vị trí của mình những năm gần đây. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Gặp khó để tìm chủ công cho đội tuyển quốc gia

Nhiều năm trở lại đây, các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam vẫn phải giải quyết bài toán khó chưa thể kiện toàn đó là tìm ra các cầu thủ đạt chuyên môn tốt ở vị trí chủ công. Vấn đề về phòng thủ bước 1 của cầu thủ Việt Nam từng là yêu cầu được nhiều đội bóng tìm phương án tập luyện giải quyết nhưng số lượng cầu thủ đạt kỹ thuật hiệu quả trong khả năng này rất ít.

Thực tế ghi nhận, giai đoạn thứ nhất giải vô địch quốc gia 2025 có 18 ngoại binh (9 nam, 9 nữ) được đăng ký. Qua 2 lượt trận đầu tiên của giải, lần lượt các cầu thủ đã được ra sân và nhiều người giữ vị trí then chốt trong đội hình của mình.

Trong 7 đội nam (ngoại trừ Hà Nội) đã thuê ngoại binh ở giai đoạn thứ nhất giải vô địch quốc gia 2025, số đông các đội tập trung thuê VĐV giải quyết vị trí chủ công. Các tay đập Evandro Dias de Souza (Sanest Khánh Hòa), Michal Kubiak (Công an TPHCM), Anut Promchan (Long An), Jakkrit Thanomnoi (Biên Phòng MB), Kittithad Nuwaddee (Đà Nẵng) đã và đang thể hiện tốt vai trò chủ công khi ra chơi tới lúc này. 2 trường hợp được đội bóng tại Việt Nam tăng cường để giải quyết chuyên môn trong vị trí đối chuyền là Napadet Bhinijdee (Ninh Bình), Alejandro Rodríguez Fuentes (Thể Công Tân Cảng).

Theo giới chuyên môn, có chủ công là ngoại binh, ban huấn luyện các đội yên tâm khả năng phòng thủ bước 1 từ đó giúp đội mình đảm bảo được cơ hội tấn công ghi điểm. Tuy nhiên, ngoại binh giữ vị trí trên sân do khả năng chuyên môn vượt trội của mình thì cầu thủ nội binh (đặc biệt là cầu thủ vị trí chủ công) ít cơ hội được thi đấu. Chính vậy, trong bài toán xa về lực lượng, bóng chuyền nam Việt Nam nói chung đang gặp khó vì thiếu VĐV đảm bảo chuyên môn tốt trong vị trí chủ công.

IMG_3341.jpg
Chủ công Kubiak (Ba Lan) đang là tâm điểm thu hút tại Đông Anh (Hà Nội) năm nay. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Năm nay, chất lượng cầu thủ ngoại có chuyên môn cao được ghi nhận tại giai đoạn thứ nhất. Các đội đều tận dụng tối đa cơ hội cho ngoại binh ra sân và hẳn nhiên khán giả luôn muốn chứng kiến những quả đập trái phá từ họ để được xem nhiều pha bóng đẹp. Nhưng thấy rằng, cầu thủ Việt Nam ngoài học hỏi kinh nghiệm từ ngoại binh sẽ phải rất nỗ lực mới có cơ hội đảm bảo được vị trí của mình”, Giám sát chuyên môn tại giai đoạn thứ nhất của giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 – ông Đào Xuân Chung đã trao đổi.

Việc chờ vào công tác đào tạo chuyên môn

Những năm gần đây, bóng chuyền Việt Nam đã có nhiều chủ công được giới chuyên môn đánh giá cao trình độ như Trần Thị Thanh Thúy (VTV Bình Điền Long An), Vi Thị Như Quỳnh (Quảng Ninh), Trần Tú Linh (Hóa chất Đức Giang lào cai), Quản Trọng Nghĩa (Công an TPHCM), Dương Văn Tiên (Sanest Khánh Hòa), Nguyễn Ngọc Thuân (Biên Phòng MB)... Dẫu vậy, họ không hoàn toàn là các tay đập có khả năng phòng thủ chuyền 1 thật sự hiệu quả. Bóng chuyền Việt Nam vẫn đang tìm kiếm nhiều hơn cầu thủ chủ công trẻ phải làm tốt khả năng này.

IMG_3343.jpg
Bóng chuyền nữ Việt Nam cũng phải vất vả tìm cầu thủ có thể chơi chủ công tốt như Trần Thị Thanh Thúy để không phụ thuộc nhiều vào ngoại binh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng đủ kiên nhẫn chờ đợi trong thời gian dài đào tạo ra các chủ công hoàn thiện từ phòng thủ tốt bước 1 cho tới đập bóng ghi điểm xuất sắc.

“Phải thấy thực tế, giải bóng chuyền vô địch quốc gia hiện giờ còn 8 đội nam, 8 đội nữ. Không HLV nào vội mạo hiểm đưa cầu thủ trẻ ra sân bởi yếu tố thành tích là áp lực trong quyết định chuyên môn của họ. Thêm nữa, việc sử dụng cầu thủ trẻ là cần thời gian, phải có kiên trì. Chúng ta đang có không ít cầu thủ trẻ nam, nữ đạt được chiều cao tốt từ giải vô địch trẻ, vô địch câu lạc bộ trẻ quốc gia nhưng họ vẫn phải hoàn thiện chuyên môn nên HLV chưa thể đưa ra sân đấu chính tại giải vô địch quốc gia”, chuyên gia bóng chuyền Trần Văn Thư đã có trao đổi.

Khi làm thực tế về đào tạo huấn luyện, các HLV và nhà quản lý đội bóng mới hiểu rõ những khó khăn trong công tác đào tạo bởi bóng chuyền là môn tập thể và cần thời gian rèn luyện cho VĐV.

Tin cùng chuyên mục