Pamela Wicker, Giáo sư tại Đại học Bielefeld của Đức, cho biết: “Tôi nghĩ thể thao sẽ thân thiện với môi trường nhất khi không… diễn ra sự kiện nào. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc vận hành theo cách bền vững hơn về môi trường và khía cạnh kinh tế vì nó tốt cho xã hội”.
Theo Viện Nghiên cứu môi trường của Đức Öko-Institute, giải đấu kéo dài một tháng này sẽ thải ra khoảng 500.000 tấn carbon dioxide (CO2). Khoảng 80% sự kiến sẽ liên quan đến vận tải, 2/3 trong số đó là từ ngành hàng không đưa người hâm mộ và cầu thủ đến và đi từ các trận đấu. Người Đức đã có nhiều giải pháp để Euro 2024 hạn chế sử dụng máy bay.
Tất cả người mua vé Euro 2024 đều có thể sử dụng miễn phí mạng lưới giao thông công cộng ở những nơi tổ chức trận đấu trong 12 giờ mỗi ngày. Ở một số thành phố tổ chức, bao gồm Berlin, Hamburg và Leipzig, không có bãi đậu xe công cộng gần sân bóng, cũng làm hạn chế việc lái xe cá nhân đến sân.
UEFA cũng yêu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các sân bóng và giảm mức sử dụng đèn pha tiêu tốn nhiều năng lượng. Nước Đức tổ chức Euro mà không phải xây dựng mới sân bóng, điều này cũng có lợi cho môi trường. Ở World Cup 2022, Qatar đã xây dựng 7 sân mới hoàn toàn và theo một nghiên cứu thì điều này đã tạo ra lượng khí thải CO2 lên tới 1,6 triệu tấn. Con số này gấp 3 lần lượng khí thải carbon dự đoán của toàn bộ Euro 2024.
Trong một động thái mới, UEFA cũng thành lập một quỹ carbon để trả 25 EUR (26,78 USD) cho mỗi tấn khí thải CO2 tạo ra trong giải đấu. Con số cuối cùng dự kiến lên tới 7 triệu EUR được UEFA chi trả, và sẽ được sử dụng để giúp các đội bóng nghiệp dư của Đức lắp đặt những thứ như đèn pha LED tiết kiệm năng lượng, tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt.
Tuy nhiên, có người chỉ trích rằng, 7 triệu EUR chẳng là gì so với doanh thu của UEFA từ giải đấu. Theo báo cáo của Deloitte, Euro 2024 sẽ tạo ra tổng doanh thu 2,4 tỷ EUR. Trong đó, 1,8 tỷ EUR là để chi trả các khoản liên quan. Bên cạnh 331 triệu EUR chi cho quỹ tiền thưởng tại giải, 240 triệu EUR sẽ được chia cho các CLB có cầu thủ dự giải.
Như vậy, số thu của Euro 2024 tăng khoảng 25% so với kỳ trước. Giám đốc tiếp thị của UEFA, ông Guy-Laurent Epstein, cho biết: Đây là một con số khá đáng kể. Đó là tính mọi nguồn doanh thu - thương mại, tài trợ, cấp phép, phát sóng và bán vé. Về mặt thương mại, chúng tôi đã đạt được một chương trình rất tốt.”
Với việc Euro diễn ra tại một trong những thị trường bóng đá lớn của lục địa, với sự góp mặt của một số thương hiệu lớn của Đức, đã giúp UEFA tăng thu nhập. Đức tham gia với 5 nhà tài trợ là Bitburger, Deutsche Bahn, Deutsche Telekom, Ergo và Wisenhof. Ngoài ra còn có 13 đối tác toàn cầu của UEFA là adidas, AliExpress, Alipay, Atos, Betano, Booking.com, BYD, Coca-Cola, Engelbert Strauss, Hisense, Lidl, Visit Qatar/Qatar Airways và Vivo. Trong khi đó, thương hiệu điện tử tiêu dùng Trung Quốc Hisense được chỉ định làm nhà cung cấp màn hình VAR.
Bản quyền truyền hình sẽ là nguồn thu lớn khi UEFA dự kiến sẽ có hơn 5 tỷ người xem. Euro 2020 thu hút lượng khán giả trực tiếp toàn cầu lên tới 5,2 tỷ do có tác động từ Covid-19. Trung bình mỗi trận đấu có hơn 100 triệu khán giả theo dõi, đồng thời được cho là giải Euro có lượng người xem hấp dẫn nhất từ trước đến nay trên mạng xã hội với 7,5 tỷ lượt tương tác và lượt xem.
Ông Epstein tự tin: “Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển so với Euro trước. Đức là một thị trường bóng đá lớn và với các đội bóng lớn hơn ở châu Âu, đây sẽ là một cơ hội quảng bá tuyệt vời cho thị trường này. Chúng tôi hy vọng sẽ vượt qua những gì chúng tôi đã làm ở Euro 2020 với lượng khán giả mục tiêu là 5 tỷ”.
Từ Euro 2024, UEFA cũng triển khai Chương trình thương mại trọng tài lần đầu tiên. Quảng cáo sẽ xuất hiện trên tay áo và bộ dụng cụ trọng tài trong các giải do UEFA quản lý. UEFA cũng đang kêu gọi tài trợ từ các nhà cung cấp trang phục trọng tài ở hầu hết các giải đấu.