Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam: VTV Cup là bước chạy đà quan trọng
SGGPO
Đối với nhiều gương mặt trẻ, VTV Cup 2018 là dịp đầu tiên họ được đánh chính trong thành phần Đội tuyển quốc gia, sau nhiều năm núp dưới cái bóng quá lớn của các đàn chị. Thế cho nên, cái cách thể hiện đầy quyết tâm của họ đã được HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cùng các đồng sự tự tin hơn đôi chút trước thềm Asiad 18.
Thầy trò ông Kiệt đã lọt vào trận chung kết sau chiến thắng khá nhọc nhằn 3-2 trước CLB Sichuan (Trung Quốc) ở bán kết VTV Cup 2018 đang diễn ra ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, lối chơi khá đa dạng, đội hình với những Trà Giang, Thanh Thúy, Kim Thanh, Bùi Ngà, Linh Chi, Kim Liên… đã thực hiện khá nhuyễn các quả chồng lao, chồng trước, giãn biên, nhanh sau, bám chắn hiệu quả… phần nào đó giúp Ban huấn luyện hài lòng.
Có thể đối thủ của Đội tuyển nữ Việt Nam ở VTV Cup 2018 này không mạnh như dự kiến, xong đối với những VĐV trẻ và còn đang trong giai đoạn rèn luyện bản lĩnh, tính lũy chuyên môn và ổn định tâm lý, thì điều thu được theo HLV Nguyễn Tuấn Kiệt là rất lớn, không chỉ giúp ích cho giai đoạn chuẩn bị chuyên môn cuối cùng cho Asiad 18 mà còn cho những các giải đấu quốc tế sắp đến nữa.
Các tay chắn của Đội tuyển nữ Việt Nam trong trận gặp Tuyển trẻ VIệt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG
Tất nhiên, VTV Cup 2018 giống như một liều thuốc thử đối với bóng chuyền nữ Việt Nam, chuyện đoạt hay không đoạt được cúp vô địch không nói lên nhiều điều, bởi lẽ giải mời này ngay từ đầu đã được xác định giúp thầy trò ông Nguyễn Tuấn Kiệt thêm cơ hội thi đấu cọ xát sau một khoảng thời gian tập chay ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội.
Chính vì vậy, điều mà ông Kiệt trông đợi ở các học trò trong trận chung kết với đội tuyển CHDCND Triều Tiên vào chiều tối mai 11-8, vẫn là tinh thần thi đấu quyết tâm, sự gắn kết và linh hoạt trong phối hợp chiến thuật giữa chuyền 2 Linh Chi (hoặc Thu Hoài) với các đồng đội.
Sau VTV Cup 2018, đội tuyển nữ sẽ trở lại Hà Nội để tập luyện thêm vài ngày trước khi lên đường sang Indonesia để tham dự Asiad 18. Ở đấu trường này, thầy trò ông Nguyễn Tuấn Kiệt rơi vào bảng B khá khó khăn, cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan, Đài Bắc-Trung Hoa và Ấn Độ.