Điền kinh Việt Nam sẽ làm trọng điểm với mục tiêu giành HCV tại ASIAD năm 2030

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 có các nhiệm vụ về thể thao thành tích cao và khi triển khai thực hiện là nhà quản lý sẽ đặt trọng tâm nhiều môn trọng điểm, trong đó điền kinh...

Điền kinh Việt Nam tìm được con người phù hợp nhưng việc đầu tư, tập huấn, tập luyện mới quyết định sự thành công về thành tích. Ảnh: MINH MINH
Điền kinh Việt Nam tìm được con người phù hợp nhưng việc đầu tư, tập huấn, tập luyện mới quyết định sự thành công về thành tích. Ảnh: MINH MINH

> Chiến lược phát triển TDTT: Cơ hội và thách thức để thể thao Việt Nam vươn mình

Mục tiêu cao

Liên đoàn điền kinh Việt Nam đang xây dựng một Đề án riêng để tập trung đầu tư phát triển cho điền kinh Việt Nam hướng tới năm 2035, tầm nhìn tới năm 2045. Trong Hội nghị triển khai công tác về Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 do Bộ VH-TT-DL thực hiện vừa qua, nhà quản lý điền kinh Việt Nam có những giải pháp đưa ra để làm sao tìm sự đầu tư, phát triển môn điền kinh hiệu quả nhất. Trong đó, vấn đề giải quyết thành tích là trọng điểm.

Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã đặt mục tiêu rất cụ thể trong trọng điểm xuyên suốt về thành tích cao từ nay tới năm 2045 là: “Tới năm 2035 trong 5 kỳ SEA Games tiếp theo phải duy trì trong 3 thứ hạng đầu nhưng thường xuyên ở vị trí hạng nhì, hạng nhất. Từ năm 2035 tới 2045 luôn ở thứ hạng nhất, nhì SEA Games. Tới đấu trường ASIAD năm 2030, phấn đấu 1 HCV, từ 2 tới 3 HCB, HCĐ. Tới năm 2028 sẽ có 2 tuyển thủ đạt chuẩn dự Olympic bằng suất chính thức. Tới ASIAD năm 2034, phấn đấu 2 HCV và từ 3 tới 4 HCB, HCĐ để đứng hạng từ 9 tới 12 toàn đoàn, phấn đấu có từ 3 tới 4 VĐV đạt chuẩn Olympic”.

Nhìn lại thành tích trong 2 đấu trường quốc tế gần nhất (về thi đấu Đại hội) gồm đạt 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ ở SEA Games 32 (tháng 5-2023), không có huy chương tại ASIAD 19 (tháng 10-2023), không có suất chính thức tại Olympic Paris (Pháp) 2024 (tháng 8-2024), nhà chuyên môn cho rằng đích nhắm mà điền kinh Việt Nam đưa ra trong mục tiêu trọng tâm kể trên cần sự nỗ lực lớn trong đầu tư mới hiện thực được. Nếu không muốn nói, đó là mục tiêu cao.

Giải điền kinh vô địch quốc gia 2024 vừa khép lại. Bây giờ, điền kinh Việt Nam đã bắt đầu chương trình thực hiện cho năm 2025, tiếp tới là năm 2026. Từ nay tới kỳ ASIAD năm 2030, điền kinh Việt Nam có 6 năm chuẩn bị. Qua những gương mặt được lựa chọn, phát hiện tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2024 thì việc huấn luyện như thế nào phải rất chi tiết, khoa học.

Phải có sự đồng bộ

Giải pháp trước mắt được Liên đoàn điền kinh Việt Nam đưa ra trong việc làm trọng điểm, đào tạo, huấn luyện con người tốt nhất hướng tới các mục tiêu thành tích cao chính là tập trung HLV và VĐV hàng năm. Trong đó, lực lượng nòng cốt là đội tuyển quốc gia (khoảng 100 VĐV/năm) và đội tuyển trẻ quốc gia (khoảng 120 VĐV/năm). Đi cùng với đó là đội ngũ HLV đảm bảo được chuyên môn phù hợp.

Chúng ta đang tập huấn đội tuyển điền kinh Việt Nam tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Đại học TDTT Bắc Ninh nhưng thực tế cho thấy tính trọng tâm trọng điểm là chưa cụ thể, việc tập trung các tổ nhóm còn dàn trải thay vì quy hoạch rõ rệt hơn chỉ gói gọn tập luyện ở một hoặc hai địa điểm.

Yếu tố quyết định trong công tác huấn luyện của điền kinh vẫn là sân bãi, cơ sở vật chất. Trong tất cả các điểm tập huấn của đội tuyển điền kinh Việt Nam hiện tại, chưa điểm tập sở hữu sân tập luyện đạt chuẩn chất lượng châu Á chứ chưa nói quốc tế. Hiện ở Việt Nam, nơi có tiêu chuẩn châu Á và quốc tế là sân vận động Quốc gia Mỹ Đình nhưng không phải lúc nào đội tuyển điền kinh tập tại đây. Trên lý thuyến, HLV, VĐV đội tuyển quốc gia là tài sản quốc gia nên cần được tập luyện tại nơi có sân bãi điền kinh đảm bảo nhất.

IMG_0204.jpg
Cơ sở vật chất trong thi đấu, tập luyện đảm bảo tốt nhất các yếu tố luôn là điều mà người làm chuyên môn điền kinh trăn trở. Ảnh: MINH MINH

“Xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam từ năm 2025 tới năm 2035 và tầm nhìn tới năm 2045 (vì đặc thù môn điền kinh muốn đào tạo 1 VĐV từ năng khiếu tới thành tích đỉnh cao phải mất từ 8 tới 10 năm). Nếu xây dựng Đề án với 2 cột mốc 10 năm là hợp lý với đặc thù phát triển thành tích của môn, để có 1 kế hoạch tổng thể, 1 lộ trình khép kín và vững chắc để phát triển môn điền kinh đạt hiệu quả nhất...”, một trong những kiến nghị, đề xuất của Liên đoàn điền kinh Việt Nam để gợi mở về nhiệm vụ giải pháp phát triển điền kinh trong việc thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Tin cùng chuyên mục