
Đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ dự giải điền kinh vô địch châu Á 2025 tới đây (bắt đầu ngày 27-5). Người làm chuyên môn nhìn nhận, giải đấu trên chính là cuộc kiểm tra chuyên môn thật sự với các tuyển thủ Việt Nam để biết khả năng tranh chấp HCV trong nhóm nội dung quan trọng trước đối thủ châu Á ra sao. Quan trọng hơn, sau giải điền kinh vô địch châu Á 2025, những sự đầu tư dài hơi để điền kinh Việt Nam có cơ hội phát triển trọng điểm sẽ khởi đầu.
Trao đổi tại cuộc làm việc lấy ý kiến đóng góp tại Hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (tháng 4-2025), đại diện bộ môn điền kinh (Cục TDTT Việt Nam) và Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã cho biết Ban soạn thảo Dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 đã rà soát và đề xuất đưa điền kinh vào nhóm môn trọng điểm và trình cấp quản lý xem xét phê duyệt.
Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 là chương trình có tính quan trọng về đầu tư thể thao mang cấp quốc gia. Do vậy, nếu điền kinh được thông qua là môn trọng điểm, nhà quản lý và người làm chuyên môn điền kinh Việt Nam sẽ sớm bắt tay thực hiện nội dung đã xây dựng báo cáo trong Chương trình này.
Thời điểm hiện tại, VĐV điền kinh Việt Nam đã giành được nhiều HCV trên đấu trường SEA Games. Tuy nhiên, đòi hỏi cao nhất đối với môn trọng điểm là thành tích huy chương tại đấu trường châu Á và thế giới. “Phải nhìn nhận rất thực tế, với thể trạng và năng lực của VĐV điền kinh Việt Nam, chúng ta hiện chỉ đủ cơ hội tranh chấp thành tích huy chương đến đấu trường ASIAD (châu Á). Với đấu trường Olympic (thế giới), VĐV của chúng ta không thể đạt được thành tích. Vì lẽ đó, sự đầu tư trọng điểm vào nội dung, vào con người để tranh HCV ở ASIAD nên thấy là phù hợp cho điền kinh Việt Nam”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT) bày tỏ.
Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục TDTT Việt Nam) – ông Nguyễn Đức Nguyên đã cho biết tại Hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 rằng các nội dung xây dựng tập trung cho môn điền kinh là trọng điểm được thực hiện chi tiết, có dự trù kinh phí từng giai đoạn và đặc biệt là chỉ tiêu, mục tiêu và lực lượng VĐV tiềm năng được tuyển chọn có đề ra. “Để điền kinh là môn được đầu tư trọng điểm sẽ cần nhiều sự nỗ lực trong thực hiện đào tạo, huấn luyện chuyên môn…”, ông Nguyễn Đức Nguyên đã cho biết.

Thống kê trong 20 năm qua (tính từ năm 2005 tới 2024), ngoài SEA Games, điền kinh Việt Nam đã thi đấu 5 kỳ ASIAD. Tại ASIAD năm 2006 chúng ta không có huy chương; tại ASIAD năm 2010, điền kinh Việt Nam giành 3 HCB, 2 HCĐ; tại ASIAD năm 2014, điền kinh Việt Nam có 2 HCB; tại ASIAD năm 2018, điền kinh Việt Nam giành 2 HCV, 3 HCĐ; tại ASIAD năm 2023, điền kinh Việt Nam không giành được huy chương.
Tính số liệu thành tích tại các lần dự giải điền kinh vô địch châu Á từ năm 2005 tới 2023, VĐV Việt Nam đã đạt được 8 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ trong các nội dung tham gia (giải điền kinh vô địch châu Á được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần).
Điền kinh là môn cơ bản trong phát triển thể thao và thể chất của mọi người. Khi môn này tiếp tục được xem xét đưa vào đầu tư trọng điểm, người làm chuyên môn có thêm sự nỗ lực phát triển tốt nhất mục tiêu thành tích.