Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi này. Nhưng rõ rệt nhất đó là tính kế thừa ở các nội dung chủ lực (100m nữ, 400m nữ, 400m nam, nhảy xa nam và nữ, rào, marathon nam...) không được duy trì đầu tư tốt như trước đây. Chưa kể, trước thềm đại hội khu vực, có đến 5 VĐV của Việt Nam nằm trong nhóm tranh chấp HCV bị cấm thi đấu vì dính doping. Điều này thì chính những người làm chuyên môn điền kinh cũng thừa nhận là đúng. Và việc giảm sâu từ 22 HCV (SEA Games 31) xuống chỉ còn 12 HCV tại SEA Games 32 cũng được xem là cú sốc không chỉ đối với điền kinh Việt Nam, mà với cả điền kinh khu vực.
Đánh giá của giới làm nghề sau SEA Games 32-2023 đã thẳng thắn chỉ ra nhiều yếu tố cản bước điền kinh Việt Nam giữ được vị thế số 1. Trong đó có sự trỗi dậy của nền điền kinh số 1 trong lịch sử Đông Nam Á là Thái Lan hay khả năng tranh chấp ngày càng quyết liệt của Philippines, Indonesia và Malaysia cũng khiến “miếng bánh” huy chương bị chia sẻ đáng kể. Làm lại và phải đầu tư lớn hơn được chọn là phương án tối ưu của điền kinh Việt Nam sau kỳ đại hội diễn ra tại Campuchia năm 2023. Các tổ, nhóm trọng điểm (cự ly ngắn, trung bình, nhảy, ném, vượt chướng ngại vật, marathon…) liên tục được đưa đi thi đấu quốc tế, tập trung sớm từ tháng 1-2025 để chuẩn bị cho hành trình chinh phục SEA Games 33 vào cuối năm nay ở Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách môn điền kinh, Cục TDTT Việt Nam, mục tiêu của đội tuyển điền kinh Việt Nam chính là tranh chấp ngôi đứng đầu với nước chủ nhà. Cho nên, mỗi nội dung đã được chủ động chọn địa điểm tập huấn phù hợp nhằm tăng cường tối đa sự chuẩn bị. Tất cả những tuyển thủ có trình độ chuyên môn tốt nhất được tạo điều kiện thi đấu trong nước và quốc tế, vừa rèn bản lĩnh, vừa tự đánh giá được khả năng tranh chấp thành tích.
Thậm chí mới đây, bộ môn điền kinh của Cục TDTT Việt Nam và Liên đoàn Điền kinh quốc gia đã cùng phối hợp tìm nguồn kinh phí lớn để xây dựng một trung tâm đào tạo VĐV cấp cao, mang tính chuyên biệt, có thể giúp nâng tầm vị thế cho điền kinh nước nhà.