Câu chuyện Olympic: Anh Mohammad Amin Alsalami - bước nhảy đức tin của VĐV tị nạn người Syria

Mohammad Amin Alsalami, VĐV nhảy xa 29 tuổi người Syria là đại diện tiêu biểu Đội tuyển Olympic người tị nạn tại Thế vận hội sắp sửa diễn ra ở Paris. Để tham dự Olympic, Alsalami phải thực hiện chuyến hành trình rất gian khó từ Aleppo đến Berlin. Đó là những bước đi chuẩn bị cho bước nhảy của “đức tin”.

Alsalami chuẩn bị cho Olympic
Alsalami chuẩn bị cho Olympic

Khi Alsalami chuẩn bị cho cú nhảy đầu tiên của mình tại Stade de France vào mùa Hè này, tâm trí của anh có thể quay trở lại với thời thơ ấu tại quê nhà Syria vốn đầy mưa bom bão đạn.

Nó có thể đưa anh quay trở về với dòng thời gian của bạo lực và hỗn loạn do chiến tranh, thứ buộc gia đình anh phải chạy trốn khỏi thành phố Aleppo ở thời điểm tan hoang - đổ nát.

Có khi, nó lại quay về thời điểm quá khứ, khi anh và nhiều người phải bước xuống con xuồng cao su giữa Địa Trung Hải khổng lồ và đáng sợ, không biết mình còn sống khi đến bờ bên kia?

“Khởi đầu của chuyến hành trình là phần nguy hiểm nhất - tôi sẽ không bao giờ quên đi chuyện đó”, Alsalami thật lòng chia sẻ, khi anh trả lời phỏng vấn trên trang chủ của Thế vận hội...

“Tôi ngồi trên chiếc xuồng cao su cùng nhiều người khác, chỉ với cái suy nghĩ: “Liệu có nên liều mạng bước lên con xuồng hay không?”, đó cũng là một quyết định vô cùng là khó khăn”.

“Sau khi xuồng cặp bờ, tôi bước ra khỏi xuồng và cảm nhận mặt đất vững chắc dưới đôi chân, tôi biết: “Tôi sẽ không bao giờ chết. Bây giờ mọi thứ sẽ tốt hơn, không thể tệ hơn thế này”.

Anh đã đúng, trên bình diện của tồn tại, trên ranh giới của sự sống và cái chết. Nhưng dù tự nhủ rằng, “Tương lai sẽ bắt đầu từ bây giờ”, anh cũng không hình dung ra nổi tương lai này!

Ngay cả trong những cơn mơ hoang đường nhất, tự sâu thẳm trong tâm của Alsalami cũng sẽ không bao giờ mường tượng ra rằng, anh sẽ hiện thực giấc mơ cả đời: Trở thành VĐV Olympic.

Những ngày sắp tới, tại Paris, khi anh mặc áo Đội tuyển Olympic người tị nạn và tham dự môn nhảy xa, giấc mơ của cả đời người của anh sẽ chính thức xảy ra ngay giữa hiện thực.

“Khoảnh khắc đó thật là rất tuyệt vời... Ồ. Tôi đã được đến với Olympic. Tôi đã khóc rất nhiều. Mọi thứ thật tuyệt vời”, chàng trai 29 tuổi chia sẻ với AP khi nhận được giấy mời dự Olympic.

Alsalami phát hiện ra năng lực điền kinh của mình ở trường học, nơi anh cũng hưởng thụ thành công với tư cách là VĐV chạy nước rút. Một giáo viên phát hiện khả năng nhảy xa khi anh mới 15 tuổi, và khuyến khích anh tham gia các cuộc thi địa phương và quốc gia Syria.

Nhưng khi nội chiến xảy ra hồi năm 2011, anh không còn được tập luyện và thi đấu nữa. Gia đình anh (Alsalami là con út trong gia đình 9 anh chị em) nhiều lần phải di dời trong lãnh thổ của Syria trước khi chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Alsalami quyết định tự thân đến châu Âu. Nghĩa là phải băng qua Địa Trung Hải và đến với Hy Lạp. Sau khi rời xuồng, anh đi bộ, đi nhờ xe và may mắn đến Đức với hy vọng bắt đầu mới.

Gần một thập kỷ sau, anh được cấp quy chế tị nạn, anh định cư tại Berlin, học tiếng Đức, và kết bạn mới. Tuy nhiên, không hề dễ dàng, khi đến Đức những tháng đầu tiên, rất lạnh lẽo cô đơn.

Nhưng niềm đam mê điền kinh đã giúp Alsalami vượt qua những khó khăn ban đầu. Ngay trong những tuần đầu tiên ở Berlin, anh lên mạng tìm kiếm các SVĐ, phòng tập với hy vọng sẽ sớm tập nhảy trở lại.

Anh kể về trải nghiệm đầu tiên trong một phòng tập ở Đức: “Tất cả các VĐV điền kinh Berlin đều tập luyện trong hội trường này. Khi tôi bước vào, tôi nhận thấy bên trong đông đúc và ấm áp đến nhường nào. Nơi đó gần như là thiên đường đối với tôi”.

Tài năng đưa Alsalami trở thành một trong những VĐV nhảy xa hàng đầu châu Á vẫn còn đó và anh không mất quá nhiều thời gian để tìm HLV. Ngay trong ngày tập đầu tiên, một người đàn ông đã đến xem anh nhảy và đưa ra đề xuất.

“Tôi không hiểu gì cả, cả tiếng Anh nữa”, Alsalami kể lại, “Và sau đó, tôi soạn câu: “Tôi là người Syria” trên điện thoại di động của mình. Thế rồi, ông ấy đã nói: “Từ giờ tôi là HLV của cậu”.

Alsalami, người tự nhủ: “Phải kiên nhẫn, mọi thứ sẽ tốt hơn”, đã có cơ hội hồi sinh khát vọng thể thao của mình. Giờ đây, anh muốn chứng minh, anh sẽ thi đấu tại Thế vận hội ở Paris bằng năng lực, không chỉ vì là thành viên của Đội tị nạn đơn thuần.

“Nhìn lại từ 2011, cuộc sống tôi trải qua những thời gian khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn giữ ước mơ được tham gia Olympic”, VĐV có thành tích cá nhân tốt nhất là 7 mét 88 và từng giành HCB Giải vô địch châu Á 2014 chia sẻ.

“Tôi cũng vật lộn với những chấn thương, một trong số đó nghiêm trọng đến mức, tôi đã nghĩ mình phải kết thúc sự nghiệp. Giờ đây, tôi không thể chờ đợi đến ngày tham dự Olympic, áp lực tăng nhưng tôi sẽ giữ bình tĩnh và tận hưởng kỳ giải của mình”.

“Tôi sẽ cống hiến hết mình, tôi muốn chứng minh, tôi không chỉ ở Paris vì là người tị nạn, mà tôi còn xứng đáng xuất hiện ở đây với tư cách là một VĐV có năng lực của riêng mình”.

Dù vậy, anh sẽ buồn khi không đại diện cho thể thao Syria: “Syria là nhà của tôi, tôi nhớ nơi đó mỗi ngày. Cuối cùng thì, đó mới lại chính là quê hương đất nước của tôi. Là nơi tôi xuất thân”.

Sao cũng được, Alsalami rất lạc quan với cuộc sống trên đất Đức: “Tôi muốn lập gia đình và sẽ sống hạnh phúc ở Đức. Tôi chỉ muốn tận hưởng cuộc sống của mình và trở thành một HLV”.

“Tôi muốn chơi nhảy xa lâu nhất có thể. Có một cảm giác bạn chỉ có thể có được ở trong thể thao - cảm giác còn sống. Tôi là một người tị nạn xa quê nhà nhưng tôi đang làm điều tôi yêu thích”.

Tin cùng chuyên mục