Cánh cửa 'xuất ngoại' thêm rộng mở cho tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam

Nói gì thì nói, nếu bóng chuyền nữ Việt Nam tạo được vị thế và hình ảnh, các cầu thủ là những người được hưởng lợi.

Việt Nam liệu có thể xuất khẩu cầu thủ như Thái Lan đã làm được nhiều năm qua? Ảnh: FIVB
Việt Nam liệu có thể xuất khẩu cầu thủ như Thái Lan đã làm được nhiều năm qua? Ảnh: FIVB

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã giành chiến thắng 3-1 trước đội tuyển Bỉ để xếp hạng 3 giải FIVB Challenge Cup 2024 trong ngày 7-7. Câu hỏi từ giới chuyên môn cùng người hâm mộ trên nhiều diễn đàn về bóng chuyền trong nước cùng đặt ra khá nhanh nhạy rằng “liệu sau đây, bao nhiêu cầu thủ Việt Nam sẽ có đội bóng nước ngoài mời gọi khoác áo?”.

Chúng ta tham dự giải FIVB Challenge Cup 2024 với đội hình gồm các gương mặt Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Khánh Đang, Võ Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Trà My, Hoàng Thị Kiều Trinh, Đoàn Thị Lâm Oanh, Phạm Thị Hiền, Nguyễn Thị Bích Tuyền, Lê Thanh Thúy, Nguyễn Thị Trinh, Vi Thị Như Quỳnh, Lê Thị Yến, Đinh Thị Trà Giang, Trần Tú Linh.

Đây là những tuyển thủ để lại ấn tượng tại giải AVC Challenge Cup 2024 của bóng chuyền châu Á cách đây 1 tháng và giành ngôi vô địch. Từ ngôi vô địch AVC Challenge Cup 2024, bóng chuyền nữ Việt Nam được dự FIVB Challenge Cup 2024. Thông lệ, trong các giải đấu như thế này, không ít tuyển trạch viên của nhiều câu lạc bộ trên thế giới sẽ dự khán tìm kiếm cho mình cầu thủ ưng ý đủ khả năng phát triển để mời về khoác áo.

Ở đội hình 14 cầu thủ của Việt Nam hiện tại, Trần Thị Thanh Thúy là người duy nhất thi đấu nước ngoài thời gian qua. Cô vừa kết thúc hợp đồng tại Nhật Bản và sẽ đi Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8. Trước đó, Hoàng Thị Kiều Trinh, Đoàn Thị Lâm Oanh và Đinh Thị Trà Giang từng thi đấu tại Thái Lan. Trần Tú Linh là trường hợp từng được thử việc tại Hàn Quốc vào cuối tháng 4 vừa qua nhưng không thành công.

Kết quả ở giải FIVB Challenge Cup 2024 là một trong những tiền đề giúp vị thế bóng chuyền nữ Việt Nam được thế giới chú ý. Điều này đã được thấy rõ ở những trận đấu trước. Đó là khi, trang thông tin chính thức của Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) khen ngợi hết lời chuyên môn của tay đập Nguyễn Thị Bích Tuyền sau khi cô ghi 30 điểm giúp đội tuyển nữ Việt Nam vượt qua chủ nhà Philippines. Trong trận tranh hạng 3, Bích Tuyền ghi tới 35 điểm trước hàng chắn có chiều cao của đội tuyển Bỉ. Đây tiếp tục là cầu thủ nổi bật và đóng góp quan trọng vào chuyên môn để HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cùng học trò giành được hạng 3 ở FIVB Challenge Cup 2024 lần này.

Thêm một thực tế, bóng chuyền nữ là môn được hâm mộ đáng kể, có số người theo dõi đông đảo ở mọi địa phương. Do vậy, thị trường Việt Nam là một thị trường có sức hút. Bất kể đội bóng nào khi tuyển dụng cầu thủ đều tính toán đến sự phát triển thị trường, sự phát triển hình ảnh của mình từ cầu thủ đó. 14 gương mặt của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam kể trên đều là những con người triển vọng được ra nước ngoài thi đấu.

Không phải ngẫu nhiên đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ Kuzeyboru ký ngay hợp đồng với Trần Thị Thanh Thúy mà chưa cần thời gian thử việc. Trong góc độ kinh tế thể thao, đội bóng thấy được sức hút từ chủ công số 1 Việt Nam trước người hâm mộ do đó tay đập này sẽ được chờ đợi là cầu thủ giúp bóng chuyền nữ Thổ Nhĩ Kỳ quen thuộc hơn với khán giả Việt Nam.

8.jpg
Bích Tuyền được đánh giá có nhiều khả năng được mời gọi ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: FIVB

Một bài toán mà thể thao Thái Lan đã giải được hiệu quả qua nhiều năm đầu tư vào bóng chuyền nữ đó là đã xuất khẩu được cầu thủ ra nước ngoài thi đấu từ đó đạt được chuyên môn tốt để trở về đội tuyển quốc gia thi đấu, giành các kết quả cao. Chúng ta cũng nên học tập từ cách làm hiệu quả như vậy. Ở đây, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cần tạo dựng mối quan hệ, có sự kết nối để tìm thêm cơ hội cho cầu thủ ra nước ngoài phát triển chuyên môn.

Tin cùng chuyên mục