43 Liên đoàn, Hiệp hội thì đơn vị nào hiệu quả nhất?
Bộ VH-TT-DL và Cục TDTT tổ chức chương trình làm việc trong Hội nghị giao ban năm 2024 với các hội thể thao quốc gia. Buổi làm việc diễn ra sáng 8-11 tại Hà Nội.
Về quy định, công tác quản lý nhà nước đối với TDTT về hội thể thao quốc gia được thực hiện theo các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện theo Luật Thể dục thể thao, Thông tư số 01/2021/TT-BVHTTDL ngày 3-2-2021 của Bộ Bộ VH-TT-DL quy định một số biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với hội thể thao quốc gia.
Rất khó đánh giá, Liên đoàn, Hiệp hội môn thể thao nào đang hiệu quả nhất bởi người làm chuyên môn hiểu rằng từng môn có đặc thù. Nhà quản lý đều kỳ vọng tất cả phát triển hiệu quả.
Trong Hội nghị này, khoảng 21 ý kiến từ đại diện 21 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã đưa ra, từ đó có thêm nhiều góc nhìn thực tế cho nhà quản lý Bộ VH-TT-DL và Cục TDTT nắm bắt. Nhà quản lý hiểu rõ, vấn đề để từng Liên đoàn, Hiệp hội thể thao phát triển vẫn phải là Liên đoàn, Hiệp hội thể thao môn đó đảm bảo nguồn lực, hoạt động chủ động hiệu quả thay vì phụ thuộc cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đánh giá chung, đại diện Bộ VH-TT-DL chỉ rõ, ngoài nhiều kết quả đã đạt được, có nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chủ động công tác phối hợp với cơ quan quản lý thể thao của nhà nước (đại diện là Cục TDTT) thì phần lớn số Hội chưa thể hiện được vai trò là cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước, chưa đại diện thực sự cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, chưa gắn hoạt động của Hội với nhiệm vụ phát triển phong trào TDTT. Công tác phối hợp nhiệm vụ chuyên môn giữa Hội với cơ quan quản lý nhà nước về TDTT chưa rõ nét, hoạt động còn mang tính hình thức, hưa phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng tập hợp, thu hút hội viên, hoạt động kém hiệu quả.
Trong 43 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã được hình thành, đang hoạt động, ngoại trừ 2 tổ chức là Ủy ban Olympic Việt Nam và Ủy ban Paralympic Việt Nam là tổ chức đặc thù thì 41 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao ở các môn, thể thao đều có mặt ưu, mặt nhược.
Bắt đầu thí điểm đặt hàng nhiệm vụ
Cơ quan quản lý Bộ VH-TT-DL bắt đầu tính tới việc đơn vị thể thao do nhà nước quản lý sẽ đặt hàng tổ chức, làm giải đấu đối với Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của chính môn đó. Nghĩa là, việc tổ chức được Liên đoàn, Hiệp hội thể thao thực hiện với nguồn kinh phí cụ thể từ bộ môn thể thao đó (do Cục TDTT quản lý). Đây là hướng đổi mới trong tư duy. Trong tương lai xa, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thể thao có thể không làm công tác này mà giao nhiệm vụ hoàn toàn cho Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chung tay cùng thực hiện.
Nhiều môn như bắn súng, taekwondo đã được xem xét thực hiện thí điểm cách thức làm như vậy. Khi nhà quản lý Bộ VH-TT-DL và Cục TDTT chấp thuận, việc thực hiện sẽ triển khai.
Hiện tại ở Việt Nam, nhiều giải thể thao quốc gia được Liên đoàn, Hiệp hội môn thể thao là đơn vị tổ chức thay vì trông chờ vào nguồn quỹ và cách thực hiện từ Cục TDTT. Nếu có sự phối hợp hiệu quả giữa Liên đoàn, Hiệp hội thể thao với Cục TDTT, chắc chắn các chương trình làm giải đấu đều hiệu quả. Chỉ khi không có sự đồng nhất, vấn đề mới nảy sinh. Liên đoàn, Hiệp hội thể thao vẫn luôn cho rằng đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý thể thao (đại diện là Cục TDTT) trong vận hành phát triển, tổ chức các môn thi đấu.
Lúc này, nhà quản lý đưa vào thí điểm đặt hàng tổ chức giải cho Liên đoàn, Hiệp hội thể thao thì đó là tín hiệu gợi mở về việc chung tay cùng phát triển thể thao.