Bóng đá Việt trước vận hội lớn

Trên bảng xếp hạng V-League tạm thời, SHB Đà Nẵng đang ở vị trí “cầm đèn đỏ” và đứng trước nguy cơ xuống hạng lần thứ 2 trong vòng 3 năm.

“Người anh em” một thời của Đà Nẵng là Quảng Nam hiện vẫn nằm ở nhóm phải đá play-off, tức là nguy cơ xuống hạng lần thứ 2 trong vòng 4 năm vẫn hiển hiện. Trong nhóm cuối bảng còn có thêm một đội bóng miền Trung khác là Bình Định…

IMG_3709.jpeg

Nhìn sang giải hạng nhất, CLB Huế cũng đang ở khu vực xuống hạng. Kể từ lần thăng hạng V-League cuối cùng năm 2007 rồi sau đó bị rớt hạng ngay sau đó, đến nay bóng đá Huế gần như không còn mơ đến đỉnh cao. Nhưng sau gần 2 thập niên “lay lắt” ở giải hạng nhất, họ có thể phải xuống hạng nhì nếu không có thay đổi đáng kể nào.

Một đội miền Trung khác là Khánh Hòa hiện cũng rất khó khăn để duy trì sự tồn tại ở giải hạng nhất. Đội bóng này đã 3 lần xuống hạng, 5 lần đổi phiên hiệu từ năm 2005 đến nay nhưng tương lai vẫn bất định.

Bóng đá miền Trung khó như vậy nhưng vẫn còn… tốt chán so với tình hình “vùng trắng đỉnh cao” của miền Tây, khi 4 năm qua không còn một đại diện dự V-League nào. Thậm chí, việc duy trì CLB ở giải hạng nhất cũng rất gian nan với mức chi 30-40 tỷ đồng/năm.

Thực trạng của bóng đá đồng bằng sông Cửu Long là dẫn chứng cơ bản nhất cho việc tại sao đến nay V-League không thể tăng lên 16 đội theo đề án bóng đá chuyên nghiệp đề ra hơn 20 năm trước. Số CLB V-League hiện nay chỉ đến từ 10 địa phương, một con số khiêm tốn so với 63 tỉnh thành trên cả nước.

Việc sáp nhập các tỉnh thành sắp đến có thể xem là vận hội cho bóng đá nội địa, mở ra một hình dung lạc quan: mỗi địa phương đều có CLB bóng đá chuyên nghiệp và V-League sẽ tăng được số lượng tham dự.

Sự phát triển của bất kỳ nền bóng đá nào cũng đều gắn liền với các CLB, càng nhiều đội bóng thì càng tăng số lượng cầu thủ chuyên nghiệp, qua đó cũng cung cấp “đầu vào” đa dạng hơn cho đội tuyển quốc gia. Việc sáp nhập các địa phương đem đến tiềm lực đầu tư tập trung, dễ thu hút các doanh nghiệp bản địa, qua đó cũng tạo được sự ổn định lâu dài.

Có thể dẫn chứng, Quảng Nam và Đà Nẵng đang sở hữu đến 3 chức vô địch V-League nhưng khả năng duy trì đội bóng khá bấp bênh. Nếu trở lại thành đội Quảng Nam - Đà Nẵng như trước đây chắc chắn sẽ trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá miền Tây cũng vậy, sau sáp nhập địa phương, cơ hội trở lại với sân chơi V-League cũng sáng sủa hơn. Tất nhiên, nhìn theo chiều hướng này, khu vực miền núi phía Bắc cũng có cơ hội lịch sử để lần đầu tiên tham gia bóng đá đỉnh cao.

Hy vọng là những nhà hoạch định chiến lược của bóng đá Việt Nam sẽ có những thay đổi kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội vẽ lại bản đồ bóng đá nội địa, tăng thêm sức mạnh nội lực cho mình.

Tin cùng chuyên mục