Chỉ là đam mê
Đó vốn chỉ là “một ngày như mọi ngày”, rất bình thường, của anh chàng sinh năm 1991, tràn đầy nhiệt huyết và đam mê với bóng đá phủi, mang đến cho khán giả, các đội bóng và những cầu thủ nghiệp dư rất vô danh ở những miền đất xa xôi cách trở một bầu không khí rực lửa và đặc quánh, vốn không khác gì Giải Ngoại hạng Anh trên K+, hay La Liga trên SCTV.
“Tất cả cũng chỉ là đam mê thôi anh à”, BLV phủi Lê Quân - hiện đang làm việc tại Fanpage Kênh “Truyền lửa bóng đá” ở trên Facebook - tâm sự về cái nghề nghiệp khá kỳ lạ của mình, một kiểu BLV hoàn toàn khác hẳn so với những BLV chính thống của các Kênh truyền hình thể thao lớn nhất Việt Nam, vốn được tuyển chọn kỹ càng, được đào tạo bài bản, và được tạo điều kiện làm việc trong một môi trường tiện nghi - hiện đại.
“Ông bầu” một lần duy nhất
Vào Sài Gòn học Cao đẳng từ năm 2008, Lê Quân bắt đầu bị mê hoặc bởi làng banh phủi rộng lớn của thành phố đông dân và bận rộn nhất Việt Nam. Vài năm sau, khi máu mê bóng đá phát triển “tới nóc”, Lê Quân đã đứng ra, cùng góp sức để thành lập nên đội banh Hội Thanh niên Duy Xuyên, vốn là nơi gắn kết, giao lưu, đùm bọc lẫn nhau của những người con, người em Duy Xuyên (Quảng Nam) xa quê, thông qua hoạt động thể thao bóng đá lành mạnh và bổ ích. Lê Quân đã trở thành “một ông bầu nho nhỏ” của đội, khi hỗ trợ kinh phí hoạt động phần lớn.
Đến năm 2016, nhận thấy thời điểm đã “chín muồi”, Lê Quân - khi đó đã đi làm ở một Công ty thiết kế trang sức - liều mạng tự đứng ra tổ chức Giải Hội đồng hương Duy Xuyên lần 1. Tại sao lại gọi là liều? Vì chỉ là “một ông bầu nho nhỏ”, chưa có nhiều sự quan biết, cũng như chưa đủ nổi tiếng để mời chào nhiều tài trợ, không có dư dả tiền của, phải kêu gọi anh em, mỗi người cùng góp một ít, với hy vọng vận hành giải đấu thành công từ khâu khai mạc đến khi bế mạc. Kết quả, giải thành công vượt sức mong đợi, khán giả đến sân (sân Celadon City - Tân Phú) đông nghẹt, các trận đấu diễn ra suôn sẻ và hấp dẫn, kịch tính
Thừa thắng xông lên, Trưởng BTC giải Lê Quân kêu gọi anh em hùn tiền tổ chức Gala trong Nhà hàng cho sang trọng. Và khi cái bill tính tiền được in ra, Lê Quân hiểu rằng, BTC giải đã “lỗ sặc máu”. “Rồi kể từ đó cho đến nay, Giải đồng hương Duy Xuyên vẫn chỉ dừng lại ở lần thứ nhất, chưa dám tổ chức đến lần thứ hai. Tuy chúng tôi bị lỗ, nhưng đó là cảm giác thật vui, khi được tụ hội cùng mọi người. Chắc chắn, đó là kỷ niệm nhớ đời của tôi, của tất cả chúng tôi. Hiện tại, Hội Thanh niên Duy Xuyên không còn đá bóng, vì các thành viên đã có gia đình, có cuộc sống riêng của mình, nhưng chúng tôi vẫn tụ tập cùng nhau, uống cà phê, ăn uống”, “ông bầu một lần duy nhất” Lê Quân mỉm cười tràn tiếu ý khi tâm sự.
Đi học Cao đẳng, ra làm thiết kế sản xuất, sau đó “lấn sân” trở thành “một ông bầu không gặp thời” và sớm giải nghệ ngay sau đó, tại sao Lê Quân lại trở thành một trong những BLV phủi được yêu mến nhất hiện nay, nhận được rất nhiều “show đi tỉnh”? Hãy nghe chàng trai người miền Trung nói về “duyên kỳ ngộ” của mình, con đường phát triển nghề nghiệp mà thoạt trông, ai cũng phải thốt lên: “Sao trớt quớt, không có liên quan gì hết vậy nè?”.
“Sau thời gian làm ông bầu rồi “giải nghệ”, tôi có dịp quen với anh Bạch Long. Ở một giải đấu, khoảng cuối năm 2016, do thiếu người bình luận, anh Bạch Long nhờ tôi vào ngồi bình luận thế. Tại thời điểm đó, tôi cũng máu mê nên nhảy vô làm đại, giọng chưa được chỉn chu, hướng dẫn cụ thể, chưa được đào tạo bởi người đi trước, chỉ kinh qua vài lần phát biểu, giới thiệu các giải đấu. Nhưng anh Bạch Long nói, cứ mạnh dạn nói thử đi”, Lê Quân hồi tưởng.
“Đến đầu năm 2017, tôi có duyên gặp gỡ chú Anh Ngọc (không phải là Nhà báo - BLV Serie A Trương Anh Ngọc, mà là một “tượng đài” BLV phủi ở Sài Gòn) khi đi đá một giải đấu ở Thủ Đức. Do sớm dính chấn thương, tôi buồn bã ra ngoài sân ngồi. Thấy chú đang ngồi ngoài theo dõi trận đấu, tôi lân la đến trò chuyện. Không ngờ, chỉ mới gặp nhau lần đầu, cả hai chú cháu đã chém gió cực hợp. Chú Ngọc thấy tôi hay hay, giọng cũng khá, nên nói tôi theo chú “bái sư”, vừa học vừa làm nghề. Chú Anh Ngọc đã tạo điền kiện cho tôi bình luận khá nhiều trận đấu đầu đời, bắt đầu từ các giải phong trào”, Lê Quân tiếp tục kể.
“Hai chú nháu làm với nhau một thời gian, cứ xong mỗi trận đấu, chú trả cho tôi một khoản tiền nhỏ. Sự kết hợp ấy, không ngờ đã duy trì đến tận ngày hôm nay, khi cả hai chú cháu cùng chung tay phát triển mạnh mẽ Kênh Truyền lửa bóng đá (hiện thu hút hơn 73 ngàn lượt theo dõi trên Facebook) với cả một hệ thống ê kíp hỗ trợ hùng hậu. Đến giờ này, tôi vẫn nhớ mãi những gì mà chú Anh Ngọc truyền dạy cho tôi về bài học vỡ lòng: “Khi bình luận, hãy nói cho tròn chữ, thật chậm rãi cho khán giả nghe và hiểu mình đang nói gì. Không được nói nhanh, nói ẩu và nuốt chữ, hoặc nói cho qua tình huống. Đặc biệt, phải suy nghĩ trước khi nói”, Lê Quân cho biết.
“Ban đầu, tôi chỉ định đi làm cho vui, vì không nghĩ mình thật sự sẽ theo nghề BLV như vậy”, Lê Quân kể, “Lúc mới vào nghề, tôi vẫn còn làm Công ty, nên chỉ đi bình luận dạo vào những dịp cuối tuần. Ở thời điểm đó là rất khó khăn, vì công việc, áp lực cuộc sống. Tuy vậy, khi đi bình luận, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sẽ được bao nhiêu tiền, vì tiền nói thật cũng chẳng có bao nhiêu. Chỉ đi làm cho vui, từ vui chuyển sang thích, và từ thích trở nên yêu say đắm. Công việc này, phải thật sự có đam mê mới làm nổi, mà tôi, càng làm càng mê”.
“Thời gian đầu bình luận, tôi bị sức ép rất lớn. Lúc đó, anh Bạch Long, hay chú Anh Ngọc đã trở thành những tượng đài. Được khán giả bốn phương mến mộ. Vậy thì, liệu một thằng nhóc mới vào nghề như tôi có được đón nhận hay là không? Ban đầu bình luận, cũng có một số va vấp. Thêm nữa, khi đó, giọng của tôi còn khá dở, chưa được xem là hay. Giọng tôi lai miền Trung, khi bình luận, nhiều người chê là: “Khó nghe”. Nghe chú Anh Ngọc chỉ bảo, rồi bình luận quen, dần dần tôi sửa giọng bình luận trên sóng, để tạo ra chất giọng “đặc biệt” như hiện nay. Có nhiều người nói, giọng tôi “ấm và khan khan” như giọng của BLV Quang Huy (của VTC)”, Lê Quân trải lòng với chất giọng khác hoàn toàn so với những gì người ta nghe được khi anh bình luận qua micro, trên sóng, khiến tôi chợt mường tượng là, người bình luận là một người hoàn toàn khác hẳn với người đang ngồi nói chuyện trước mặt tôi, trên tay cầm ly bạc sỉu thơm lừng.
“Khi quen nghề, giọng bình luận đã lưu loát và hấp dẫn, tôi lại đối mặt với những khó khăn khác, đó là nhu cầu phát triển công nghệ để thích nghi với những đòi hỏi thời mạng xã hội bùng nổ”, Lê Quân tiếp tục miên man về câu chuyện kỳ lạ của mình, “Hồi mới vô nghề, chỉ cần một cái micro, một cái loa, là quá đủ để bình luận cho cả sân nghe, kể cả những khán giả bất đắc dĩ là những người hàng xóm gần bên sân bóng. Tuy vậy, sau này, khán giả không phải ai cũng có điều kiện đến sân xem thi đấu, nghe bình luận trực tiếp, đặc biệt là ở những giải đấu đồng hương, nhu cầu người xem ở quê cực cao, mà giải đấu tổ chức ở Sài Gòn thì sao”.
Đứng vững với nghề, “thần tượng” đồng nghiệp truyền hình
Có thể nói rằng, giờ đây, Lê Quân, hay Kênh Truyền lửa bóng đá, đã mang niềm cảm hứng đam mê không nhỏ để giúp phát triển bóng đá phong trào ở nhiều nơi. Dù vẫn đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi nhiều đơn vị khác, Truyền lửa bóng đá vẫn đứng vững, không chỉ nhờ vào đầu tư kỹ thuật mà còn nhờ vào “chất giọng” của những BLV của Kênh, và sự sát cánh, đồng lòng từ tất cả anh em.
“Mọi người yêu thích giọng tôi, vì nó trầm ấm và rất nhiệt. Và “Nhiệt” cũng chính là tiêu chí làm việc của tôi, của chú Anh Ngọc, của các anh em trong Kênh. Chúng tôi không ngồi trong cabin bình luận theo kiểu chính thống, chúng tôi cũng không bình luận các trận đấu hấp dẫn thuộc các giải đấu hàng đầu châu Âu, những “nhân vật chính” mà chúng tôi dõi theo, chỉ là những cầu thủ phong trào vô danh ở nhiều nơi khắp đất nước, vì thế, chúng tôi phải làm sao để khán giả cảm thấy thật sung và hòa nhịp vào nhịp điệu của trận đấu. Ngồi sát đường biên, ngồi lẫn với khán giả là cách để hiểu họ, và để truyền cảm hứng cho họ, ngoài sự cảm hứng từ chính những cầu thủ trên sân”, Lê Quân cho biết.
“Mr 4.000 trận đấu” truyền lửa đam mê đến cả những vùng sâu, vùng xa
“Thành danh” trên Sài Gòn, Lê Quân bắt đầu nhận được rất nhiều “show mời đi tỉnh”. Đối với Lê Quân, mới hôm qua thấy Facebook của anh còn đang đăng ảnh ở Quảng Bình, mà hôm nay gọi điện, đã thấy báo đang ở Cà Mau, đó cũng là “một ngày như mọi ngày” mà thôi. “Đến thời điểm này, tôi cũng không thể nhớ hết tôi đã làm bao nhiêu giải đấu ở bao nhiêu địa phương nữa. Tôi chỉ ước lượng, tôi đã bình luận khoảng trên dưới 4.000 trận đấu, và sẵn sàng mang lửa đam mê để chuyển đến cả những vùng sâu, vùng xa”, Lê Quân nói.
“Tôi nhớ mãi, chuyến xe khuya xuống bình luận một giải đấu ở Cà Mau. Khi đến nơi, đã khoảng 3, 4 giờ sáng. Ở thời điểm đó, đi thuê Khách sạn thì không biết đường đất, mà 7 giờ sáng thì giải đã khai mạc, thế nên tôi chui đại vô hành lang SVĐ để tạm đặt lưng. Chỉ nằm có vài tiếng đồng mà muỗi chích tè le. Tôi cũng nhớ, cách đây 2 năm, tôi xuống Vĩnh Long làm giải giao hữu. Vừa xong lại cấp tốc quay ngược về, về đến Sài Gòn lúc 2, 3 giờ sáng liền cầm xe phi thẳng xuống Bù Đốp, giáp Campuchia, để làm tiếp một giải đấu phong trào ở đây. Cái này, chỉ có đam mê mới làm được, không có đam mê, không thể theo nổi đâu”, Lê Quân nhớ lại.
Trên Fanpage Kênh Truyền lửa bóng đá, có thể đọc được nhiều sự mến mộ mà khán giả dành cho Lê Quân nói riêng và ê kíp Truyền lửa nói chung: “BLV Lê Quân tuyệt vời, bình luận quá hay, vui vẻ đẹp trai nhiệt tình, I love you, 10 sao cho ê kíp”, “BLV Lê Quân bình luận quá hay, hấp dẫn vui tính đang yêu, kênh hay nhất Việt Nam”, “Kênh này quá chuyên nghiệp, 2 BLV quá hay luôn, hay hơn cả BLV truyền hình”, “Truyền lửa bóng đá tạo điều kiện cho những người con Hoài Mỹ xa quê cũng vẫn xem được quê nhà tổ chức bóng đá phong trào. Quá tuyệt vời”, “Cám ơn đam mê đã mang đam mê đến cho mọi người. Chúc page càng lúc càng phát triển”.